Từ quyết tâm đến hành động
Sự ra đời của NQ 08-NQ/TU ngay sau NQ 26-NQ/TW cùng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo nên động lực lớn cho thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh nhà. Việc sơ kết 5 năm thực hiện NQ từ cấp xã, cấp huyện đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong thời gian qua cho thấy, các tổ chức cơ sở đảng đã nhận thức đúng, quán triệt sâu sắc quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đã ban hành các NQ chuyên đề, chương trình hành động cụ thể phù hợp với từng địa phương, đơn vị, đồng thời đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. MTTQ và các đoàn thể đã tích cực, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện. Nhiều cán bộ, đảng viên cốt cán đứng đầu cơ sở nêu cao vai trò gương mẫu xung kích đi đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra chất lượng giống lúa BTE1 tại xã Tùng Lộc (Can Lộc). |
Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện các NQ “tam nông” ở Hà Tĩnh là việc ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó là việc triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả cao. Con số trên 60 ngàn tỷ đồng vốn huy động để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chiếm 47,6% tổng vốn đầu tư cho phát triển KT-XH đã nói lên điều đó.
Nông nghiệp, nông thôn chuyển mình
Trong giai đoạn nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, có thể nói, quyết tâm chính trị và nguồn lực từ việc thực hiện các NQ đóng vai trò quyết định đưa đến sự bứt phá toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn Hà Tĩnh. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện, một số lĩnh vực tạo được sự đột phá hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhiều loại giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; các bộ giống cây trồng, vật nuôi chủ lực đã được xác định; nhiều mô hình sản xuất đã và đang tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại.
Năm 2012, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân tăng 12,5% so với năm 2008; trong đó ngành thủy sản có tốc độ tăng cao nhất (28,4%). Toàn tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2, trên cơ sở đó đã ứng dụng được nhiều tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến. Kinh tế tập thể có bước phát triển cả về loại hình HTX và tổ hợp tác; kinh tế trang trại phát triển khá cả về số lượng và quy mô sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 337 HTX nông nghiệp (tăng 42% so với năm 2008); 141 trang trại theo tiêu chuẩn mới. Liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp đã hình thành và ngày càng được nhân rộng.
Có thể nói, tác động rõ nét nhất của các NQ đến với người nông dân, đó là việc tạo cho họ sự chủ động trong việc tiếp cận chính sách để xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao đời sống. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 13,69 triệu đồng/tháng, tăng 7,46 triệu đồng so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,48%. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; quy hoạch cơ bản đồng bộ; kinh tế tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến theo hướng tích cực; hạ tầng thiết yếu, văn hóa - xã hội, môi trường được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, TTATXH nông thôn được giữ vững.
Điểm tựa để vượt qua thách thức
Đánh giá chặng đường đầu thực hiện các NQ, bên cạnh kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và thách thức không nhỏ của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã được nhận định, phân tích kỹ lưỡng. Nông nghiệp phát triển còn chậm, chưa bền vững; mức sống của cư dân nông thôn vẫn còn thấp, thiếu việc làm, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, chênh lệch giàu nghèo vẫn có xu hướng gia tăng; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm và thiếu vững chắc... Giải quyết những vấn đề đó, chúng ta đang có điểm tựa vững chắc chính là nền tảng từ kết quả đã đạt được; từ những định hướng chiến lược của các NQ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Các vùng sản xuất rau - củ - quả tập trung được xây dựng theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. |
Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là tiếp tục quán triệt đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nội dung của các NQ tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các vấn đề trọng tâm được tỉnh chú trọng triển khai trong thời gian tới là: tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể KT-XH của tỉnh; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững bằng những giải pháp căn cơ, hiệu quả; tập trung chỉ đạo, cải thiện đời sống mọi mặt cho người nông dân; tạo điều kiện và giúp đỡ người nông dân nâng cao hơn nữa vị thế của mình, thực sự là chủ thể xây dựng và hưởng lợi các thành tựu phát triển; đẩy mạnh chương trình MTQG xây dựng NTM; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng tạo động lực mạnh mẽ hướng tới một nền sản xuất theo hướng hiện đại, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, gắn với bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, phát huy sức mạnh các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa - thành viên Tổ giúp việc BCĐ Trung ương: Hà Tĩnh có cách làm sáng tạo, chủ động và sâu sát Trong quá trình thực hiện NQ, Hà Tĩnh đã vận dụng phương pháp tổ chức, lãnh đạo chủ động, từ đó đã kéo được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với cách làm sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, Hà Tĩnh đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí, nhất là các tiêu chí quan trọng như: cơ cấu lao động, hộ nghèo và thu nhập. Theo đó, làm giảm sự chênh lệch về mức sống trong nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng dần mức thu nhập cho người dân nông thôn. Trong sản xuất, đại bộ phận nông dân đã hình thành tư duy sản xuất hàng hóa; cơ giới hóa phát triển vượt bậc, không ngừng ứng dụng KHKT... Kết quả này đã đưa Hà Tĩnh trở thành một trong 3 tỉnh trong cả nước dẫn đầu về thực hiện NQ 26-NQ/T.W. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn - Phó BCĐ sơ kết NQ T.Ư 7 (khóa X): Hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng “đến gần” với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Sau 5 năm thực hiện NQ 26-NQ/TW và 4 năm thực hiện NQ 08-NQ/TU, Hà Tĩnh đã thực hiện được những bước nhảy vọt trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy vậy, quá trình thực hiện NQ vẫn thiếu chiều sâu, đời sống nông dân còn nghèo; ý thức của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, điều kiện để tiếp cận các cơ chế, chính sách quá cao, trong khi quy mô sản xuất đại đa số người dân còn nhỏ lẻ; chưa khuyến khích được doanh nghiệp khác tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp... Giải pháp mà Hà Tĩnh hướng tới trong thời gian tới chính là hoàn thiện hơn hệ thống cơ chế, chính sách, nhằm đưa NQ đi sâu vào đời sống nhân dân. Trong đó, chú trọng cơ chế “tháo đất” nông nghiệp, hướng tới tích tụ ruộng đất nhằm chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức của nông dân. Đây chính là nút thắt cơ bản nhất để giải phóng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thứ nữa phải hình thành được doanh nghiệp trong nông thôn và tiếp tục thu hút doanh nghiệp về nông thôn; huy động xã hội hóa trong phong trào thực hiện NQ mà trọng tâm thực hiện chính là cấp xã. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Huy Oánh - Chánh văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh: Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Chương trình MTQG xây dựng NTM với 19 tiêu chí đã bao trùm và đi sâu vào tất cả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chương trình được tập trung nguồn lực lớn và đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận, được đánh giá là điểm nhấn trong quá trình thực hiện các NQ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Hà Tĩnh. Chính vì vậy, có thể nói, việc tập trung thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM toàn diện trên các lĩnh vực ở 235/235 xã, thị trấn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi để triển khai tốt các NQ trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đầu tư về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; nâng cao dân trí cho nông dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện các thiết chế văn hóa nông thôn, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn... |
MAI THỦY – NGUYỄN OANH
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn