Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Sau một năm thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất, chương trình đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng.
Năm 2019, toàn tỉnh có 140 sản phẩm (gấp 3 lần so với kế hoạch năm) đăng kí tham gia chương trình, trong đó đã lựa chọn được 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao).
Công tác quản lý chất lượng sản phẩm đã được quan tâm cao. UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý hàng hóa, sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Các sản phẩm được truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR, đảm bảo công khai thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng.
Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu, được khách hàng đánh giá cao như: Nhung hươu Hương Sơn, Cam giòn Thượng Lộc (Can Lộc), Nem chua Ý Bình (Hương Sơn), Giò me Tiến Giáp (Hương Khê), Nước mắm Lạch Kèn (Nghi Xuân), Cu đơ Phong Nga (Thạch Hà)…
Tuy nhiên, chương trình OCOP vẫn còn một số hạn chế như: Sản phẩm hầu hết chỉ dừng lại ở chế biến thô, việc mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ còn chưa nhiều; đội ngũ tư vấn còn hạn chế về năng lực, nhất là khâu tư vấn về phát triển sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm; quy mô các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn nhỏ, năng lực quản trị yếu…
Tại hội nghị, các cấp, ngành, chủ cơ sở có sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP dành phần lớn thời gian để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất; những khó khăn trong phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, phương hướng phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, tập trung vào các nội dung quan trọng như công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát quản lý chất lượng sản phẩm; tham gia hoạt động xúc tiến thương mại; vai trò của các cơ sở sản xuất trong đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; cấp ủy, chính quyền quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện chương trình..
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định, chương trình OCOP đang đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế. Đây chính là cơ sở để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, đề nghị Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phối hợp với các sở, ngành khác xây dựng văn bản hướng dẫn các cơ sở sản xuất phát triển thương hiệu, thị trường sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP; gắn trách nhiệm rõ ràng để thống nhất cách làm, đồng hành với các cơ sở; coi trọng công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn làm thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Đối với các huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các địa phương nên phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai chương trình OCOP trên địa bàn; đôn đốc chủ cơ sở thực hiện theo đúng quy trình và tuân thủ quy chế quản lý sản phẩm, hàng hoá; tiếp tục tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn biết, hiểu và tham gia.
Các cơ sở sản xuất chú trọng phát triển toàn diện, hiệu quả thương hiệu để tạo niềm tin trong lòng người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tuyệt đối không vì cái lợi trước mắt mà chạy theo số lượng, đánh mất giá trị sản phẩm; chủ động xây dựng liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu sạch…
Theo: Thái Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn