Theo kế hoạch, thời vụ gieo cấy lúa xuân sẽ kết thúc vào khoảng 25/2 tới
Hơn một mẫu ruộng của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, thôn 10, Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) phải giáp Tết mới gieo xong. Năm nay, khung lịch đẩy về cuối, trùng với dịp Tết Nguyên đán Bính Thân nên gần như những người nông dân chẳng có khái niệm nghỉ. Vừa hoàn tất gieo cấy thì Tết về tận cửa, nghỉ ngơi được vài ngày anh Hùng đã vội xuống đồng phun thuốc trừ cỏ, đắp lại bờ thửa cho ruộng nhà.
Anh Hùng cho biết: “Vừa đúng thời gian phun thuốc trừ cỏ cho lúa, cũng là ngày đẹp nên tôi chọn ngày mùng 4 Tết là ngày ra quân sản xuất đầu xuân”. Trên cánh đồng thôn 9, thôn 10 của xã Cẩm Sơn, càng về trưa lại càng nườm nượp bóng người, chủ yếu là phun thuốc trừ cỏ cho lúa, số chăn thả trâu bò, người lại đắp lại bờ, lấy nước cho ruộng. Trên thực tế, dù ngày nay, lễ tịch điền không còn được tổ chức rầm rộ như trước thì quan niệm chọn ngày ra đồng đầu năm vẫn đóng vai trò quan trọng trong ý niệm của người nông dân.
Ngày ra đồng đầu năm phải là ngày tốt và người nông dân bỏ luống cày, nhát cuốc đầu tiên xuống đồng như thể đánh thức đất đai, khai xuân động thổ, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Vừa thoăn thoắt sửa sang lại bờ thửa của ruộng lúa sau mấy ngày nghỉ Tết, chị Nguyễn Thị Liên, thôn 9 vừa vội vàng pha thuốc diệt cỏ chuẩn bị phun trừ cho lúa. Giáp Tết tất bật, khẩn trương bao nhiêu thì ra tết không khí lại càng náo nức, phấn khởi không kém. Chị tâm sự: “Đầu vụ thời tiết đã khá thuận hòa, gieo giống xong thì trời nắng ấm nên bà con chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Tạm gác không khí vui xuân, tôi phải tranh thủ ra đồng, phun thuốc cỏ hết 1,5 mẫu ruộng này còn phải làm đất để gieo lạc nữa. Từ nay, chẳng có thời gian mà nghỉ”.
Chị Nguyễn Thị Liên, thôn 10, Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) chọn ngày mùng 4 Tết để xuống đồng, cầu cho một mùa sản xuất thắng lợi |
Sức xuân căng tràn trên những cánh đồng, từ Can Lộc, Thạch Hà đến thành phố Hà Tĩnh đã bắt đầu rộm bóng người nông dân nhổ mạ cấy lúa. Thời điểm này đang là thời vụ cấy của các giống: Thiên ưu 8, xuân mai 12; tiếp đó là TH3-3, TH3-5 trong khoảng 1 tuần tới.
Gieo mạ vào cuối tháng 1, trà mạ Thiên ưu 8 của gia đình chị Trần Thị Bảy, Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh đã lên xanh, rậm rạp và chắc khỏe. “Tôi làm 3 sào giống Thiên ưu 8, nhờ thời tiết nắng ấm mà mạ đã đủ dài để cấy. Ngày mùng 4 bắt đầu xuống đồng, vừa lao động lấy lộc đầu năm vừa cũng là khẩn trương cho kịp thời vụ”.
Còn ở Can Lộc, tiếng trống khai hội Chùa Hương sắp sửa bắt đầu. Khắp nơi nơi du khách thập phương đã nườm nượp kéo về trẩy hội trong khi nông dân ở đây vẫn coi việc xuống đồng cấy lúa là nhiệm vụ hàng đầu. Ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Trước Tết, đợt rét kỷ lục đã làm hơn 10% diện tích mạ lúa xuân bị hư hỏng, bà con phải bắc mạ dày xúc để bổ sung. Nhờ thời tiết thuận lợi, số mạ bổ sung sinh trưởng tốt. Một số vùng bà con đã xuống cấy từ ngày mùng 4 tết, đến nay toàn huyện đã hoàn thành gần 80% diện tích gieo cấy”.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo cấy khoảng trên 70% diện tích lúa xuân. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ hoàn thành hết diện tích vào khoảng 20- 25/2 tới. Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: “Mặc dù lịch thời vụ năm nay trùng vào dịp tết nguyên đán nhưng cơ bản các địa phương vẫn tuân thủ được thời vụ đề ra. Hiện nay, thời tiết đã nắng ấm, thuận lợi cho việc gieo cấy nên tốt nhất những nơi có tuổi mạ đạt 3 lá thì bà con nên khẩn trương ra đồng cấy lúa. Phải “luyện mạ” trước khi cấy, đồng thời phải chú ý giữ nước mặt ruộng, theo dõi tình hình phát sinh của sâu bệnh. Đặc biệt, vào thời điểm này đối tượng cần chú ý là bọ trĩ, khi phát hiện phải xử lý theo đúng quy trình mà ngành chuyên môn đã hướng dẫn”.
Cấy lúa, gieo trỉa lạc, thu hoạch rau, không khí sản xuất đầu năm đang bừng bừng khí thể ở khắp các địa phương hứa hẹn một mùa sản xuất no ấm, bội thu trong năm Bính Thân này...
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn