Vượt khó đi lên
Tiếng là ở thành phố, nhưng để vào xã An Khang chỉ có một con đường duy nhất chạy dọc theo bờ sông Lô, giao thông khó khăn nên việc giao thương buôn bán hạn chế, dẫn đến đời sống của người dân còn khó khăn. Ông Phan Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết: “Xã có 1.040 hộ với 4.044 khẩu, gồm 7 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh, Tày chiếm khoảng 80%.
Nhà văn hóa thôn Trường Thi A được xây dựng theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm. |
Năm 2011, bước vào xây dựng NTM, xã mới chỉ đạt 4 tiêu chí nhưng chưa đạt tiêu chí nào về kinh tế“. Khi mới xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo ở An Khang vẫn còn khoảng 9%, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 6%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 10 – 12 triệu đồng/năm, thì đến năm 2011 đã tăng lên 15 triệu đồng và năm 2012 ước đạt 18 triệu đồng/người/năm.
Cái được đầu tiên ở An Khang là đã hoàn thành quy hoạch và đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản. Trong cái khó, thôn và xã đã có rất nhiều cách làm hay. Trước đây, hội trường thôn Trường Thi A chỉ rộng khoảng 40m2, nên mỗi khi họp ai nấy đều “toát mồ hôi hột” vì nóng. Được nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, thôn đã tổ chức họp dân, để thống nhất mẫu thiết kế và để tiết kiệm, thôn đã thuê luôn đội thợ trong thôn để xây dựng.
Sau gần 2 tháng khởi công, vừa qua thôn đã khánh thành nhà văn hóa rộng khoảng 100m2, có sân khấu, hành lang, cánh gà rất phù hợp cho hội họp và sinh hoạt văn nghệ. “Tổng kinh phí xây hết 200 triệu đồng, chúng tôi huy động dân đóng góp thành 3 đợt, đợt 1 thu 150.000 đồng/khẩu, đợt 2 là 100.000 đồng/hộ và đợt 3 là 300.000 đồng/hộ, với phương án này bà con ai cũng nhất trí” – Trưởng thôn Trường Thi A Bùi Đức Xuân cho biết.
Đột phá vào nông nghiệp
Khó khăn là thế, nhưng chỉ sau 2 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của An Khang đã thay đổi rõ rệt. Hệ thống giao thông được cải tạo, nâng cấp, đặc biệt là hệ thống kênh mương nội đồng được xây mới, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu. Tuy nhiên, đây là xã thuần nông, tỷ lệ lao động nông nghiệp cao, nên để giảm số lao động xuống còn khoảng 40% là một nhiệm vụ hết sức nặng nề mà An Khang đang tìm cách tháo gỡ. Đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng hàng hóa là cách mà An Khang đang lựa chọn.
Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, xã đã tổ chức được khoảng 6 lớp dạy nghề cho khoảng 180 học viên, gồm các nghề như cơ khí, may mặc, chăn nuôi thú y, trồng trọt… nhờ vậy mà xã đã “rút” được một lực lượng lớn lao động ra khỏi nông nghiệp. Bên cạnh đó, xã đặc biệt chú ý đến quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch, xã sẽ dành 150ha (chiếm 67% diện tích) để sản xuất lúa năng xuất cao, trong đó có khoảng 20ha trồng lúa chất lượng cao; 30ha chuyên sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu; 16ha trồng màu; 3ha làm khu chăn nuôi tập trung…
Khi được hỏi về xây dựng NTM, chị Hoàng Thị Hà ở thôn Trường Thi 2 phấn khởi: “Trước đây khu ruộng này chỉ cấy được 1 vụ và 1 vụ màu, nhưng từ khi thôn, xã xây mương bê tông nước tưới tiêu đảm bảo chúng tôi đã chuyển sang thâm canh 2 vụ lúa 1 vụ màu. Không chỉ vậy, việc đưa giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đã giúp cho năng suất lúa tăng khoảng 15 – 20% so với trước”.
Việt Tùng
Ngày 26/8/2012 - Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn