Rắc rối cách tính bảo hiểm
Đồng Nai là tỉnh có số lượng đàn lợn lớn nhất cả nước và cũng là địa phương được chọn để thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên vật nuôi. Để triển khai, bước đầu Đồng Nai đã làm điểm tại 9 xã thuộc 3 huyện: Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc. Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa thể tham gia.
Người chăn nuôi chưa mặn mà với Bảo hiểm nông nghiệp. |
Bà Lê Thị Năm - một hộ chuyên nuôi heo gia đình khoảng 20 heo thịt ở xã Phú Túc, huyện Định Quán cho biết: “Quy định về bảo hiểm (BH) cho chăn nuôi trâu bò, heo và gà, vịt như hiện nay rất bất lợi cho người chăn nuôi chúng tôi. Ví dụ như, phí phải nộp BH quá cao, làm tăng giá thành nên khi xuất chuồng vật nuôi, người nuôi sẽ bị lỗ vốn”.
Bà Nguyễn Thanh Hương- Chủ tịch UBND xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc cho biết: “Đến nay, vẫn chưa có hộ chăn nuôi nào ký kết hợp đồng tham gia BH. Lý do, theo các hộ chăn nuôi, phí đóng quá cao nên nếu nuôi heo thì không còn lãi và quy định là địa phương phải được công bố dịch thì người chăn nuôi mới được thanh toán BH. Điều này rất khó cho người chăn nuôi, bởi đâu có phải cứ có mấy chục con bị bệnh là được công bố dịch ngay đâu”.
Cũng như ở Đồng Nai, Thanh Hóa đang triển khai thí điểm BHNN tại 9 xã của 3 huyện, gồm: Yên Định, Cẩm Thủy và Hoằng Hóa, nhưng hầu hết dân chưa tham gia.
Ông Hoàng Nam Dinh- Phó phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy cho biết: “Các quy định của BH áp dụng trong chăn nuôi lợn (thịt, nái, đực giống) cả về quy mô, quy trình nuôi và thời gian tính bảo hiểm đang khiến người nông dân… bất lợi. Chẳng hạn, thời gian được bảo hiểm tối đa đối với lợn thịt là 150 ngày, nhưng thực tế, việc chăn nuôi hiện nay, người dân chỉ cần nuôi trong 2 – 3 tháng là có thể xuất chuồng, chứ không chờ đến 5 tháng như quy định của BH.
Chọn hộ nghèo để bảo hiểm
Theo đánh giá, biểu phí thu BHNN trong chăn nuôi như hiện nay là cao chưa hợp lý. Cụ thể, phí heo thịt, gà thịt bằng với heo đẻ, gà đẻ, trong khi chu kỳ từ khi nuôi đến khi xuất chuồng là ngắn.
Ông Nguyễn Kim Đoán- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng: “Đồng Nai là tỉnh có đàn heo luôn ổn định tới 1,2 triệu con. Từ trước đến nay, các cơ sở, chủ trang trại, xí nghiệp, công ty chăn nuôi heo thuộc Hiệp hội luôn nghiêm ngặt áp dụng theo quy trình quy định của ngành thú y, nên dịch bệnh đối với đàn heo rất khó khả năng xảy ra”.
Vì thế, theo ông Đoán, vào thời điểm giá xuất chuồng ổn định, thì người chăn nuôi cũng chỉ lãi khoảng vài, ba trăm ngàn/con, nếu tham gia BH với mức phí cao như thế, thì người chăn nuôi chỉ có từ hòa đến lỗ.
Ông Lê Khắc Trung- Phó phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng: “Để thực hiện BHNN được tốt, Nhà nước cần xem xét lại vấn đề quy định trên 10% tổng đàn gia súc của một xã thì mới được hưởng BH.
“Điều này rất khó khăn, vì khi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc ở một xã nào đó, thì phải có quyết định công bố dịch của chủ tịch UBND tỉnh, mới được BHNN chi trả. Nhưng, nếu bệnh chỉ xảy ra ở một số cá thể, trong phạm vi nhỏ, nếu không “công bố dịch”, liệu người mua BH có được nhận đền bù?”- ông Trung phân tích.
Vào thời điểm này, tại Đồng Nai, các đơn vị bảo hiểm đang rất tích cực đi lập danh sách… thống kê số hộ nghèo để ký hợp đồng BH. Theo một lãnh đạo của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sở dĩ bảo hiểm chỉ nhắm đến đối tượng là hộ nghèo, vì các hộ khác không tham gia, đặc biệt, nếu ký được hợp đồng với các hộ nghèo, họ sẽ nhanh chóng thu được tiền do Nhà nước chi trả, còn các hộ nghèo cũng chỉ việc ký hợp đồng, do họ chẳng mất gì cả. Như vậy, chỉ có BH là có lợi, vì họ thu được tiền ngay.
Lý giải điều này, ông Đinh Đức Hòa- Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Đồng Nai chỉ cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập hợp những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện BHNN để báo cáo về Tổng Công ty BH”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn