Ông Thẩm Hữu Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện Quản Bạ.
Nằm trọn trên cao nguyên đá Đồng Văn, Quản Bạ cũng như một số địa phương khác trong vùng đều có địa hình đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí chưa cao, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Khó khăn là vậy nhưng mọi nhiệm vụ hàng năm của địa phương cũng như của trên giao đều được chính quyền và nhân dân Quản Bạ chung sức phấn đấu hoàn thành, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện cũng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Tính hết năm 2014, hầu hết các xã của huyện đều đạt từ 3 tiêu chí trở lên, riêng xã điểm Đông Hà đã đạt 18 tiêu chí và sẽ cán đích xã đạt chuẩn nông thôn mới trong quý I/2015.
Ông Thẩm Hữu Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện, cho biết: Có được thành tích như vậy là nhờ sự sát sao chỉ đạo và kịp thời ban hành một số nghị quyết, quyết định, chương trình phù hợp với thực tế địa phương của Huyện ủy Quản Bạ như Chương trình số 09 -CTr/HU ngày 07/10/2011 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, tính đến 2020, trong đó xác định tập trung nguồn lực để thực hiện điểm tại 3 xã là Đông Hà, Quyết Tiến và Quản Bạ, phấn đấu quý I/2015 đưa xã Đông Hà cán đích nông thôn mới.
Song song với đó, việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ huyện tới thôn bản cũng được lãnh đạo huyện chỉ đạo khẩn trương kiện toàn.Trong triển khai và thực hiện, Quản Bạ đặc biệt chú trọng tới nhiệm vụ nâng cao đời sống cho nhân dân, coi đây là yếu tố then chốt quyết định rất lớn tới sự thành công của chương trình.
Theo đó, Quản Bạ đã có nhiều đổi mới trong phát triển kinh tế bằng việc vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi hay ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhân dân trong phát triển kinh tế như chính sách hỗ trợ giống, phân bón; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển du lịch, gắn với các điều kiện tự nhiên của vùng như trồng cây tam giác mạch, thảo quả, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao; không ngừng tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm bằng việc cho vay đầu tư có thu hồi cũng như mạnh dạn chuyển diện tích đất dốc sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cũng là những định hướng lớn của chính quyền nơi đây. Hiện, số lượng trâu, bò trên địa bàn huyện lên tới 18.800 con, đàn lợn trên 43.000, gia cầm đạt hàng trăm ngàn con; diện tích trồng rau đậu các loại không ngừng tăng lên, đặc biệt là diện tích trồng cây vụ đông đã được bà con quan tâm và không ngừng phát triển. Kết thúc năm 2014, thu nhập bình quân của nhân dân Quản Bạ đạt 15 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo trong năm giảm 6%; tỷ lệ học sinh từ 6 -14 tuổi đến trường đạt 99%.
Kinh tế phát triển, kết hợp với làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của bà con đã thay đổi rõ rệt, tư tưởng trông chờ ỷ lại dần bị đẩy lùi, thay vào đó là tư tưởng trách nhiệm, chung tay chung sức, thi đua phát triển kinh tế ngày một lan rộng. Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã thu hút được các cấp, các ngành, cơ quan doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia, việc huy động ngày công lao động hay phong trào hiến đất, hiến vườn gặp nhiều thuận lợi. Năm 2014, toàn huyện đã huy động được 26.730 ngày công lao động, nhân dân đã hiến 21.143m2 đất và tự nguyện đóng góp hơn 83 triệu đồng cho việc xây dựng các công trình phúc lợi, công trình công cộng.
Về Quản Bạ hôm nay, điều dễ nhận thấy là cảnh nhân dân miệt mài vun xới cho những ruộng ngô, ruộng rau, đồi chè,... Từ Quyết Tiến cho tới Đông Hà, bà con nô nức thi đua sản xuất kinh doanh khiến vùng đất này căng tràn nhựa sống. Tuy thành tích xây dựng nông thôn mới của Quản Bạ còn khiêm tốn nhưng hướng đi và cách làm của Đảng bộ, chính quyền nơi đây sẽ cho chúng ta niềm tin về tương lai no ấm đang vươn tới các bản làng, tới với mỗi người dân Quản Bạ thân yêu.
Đình Hợi - Đỗ Hùng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn