Cũng theo Ban chỉ đạo trung ương, sau hai năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được khối lượng công việc lớn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Tuy nhiên theo nhận định chung, chương trình vẫn đang bộc lộ một số hạn chế về công tác quy hoạch cũng như cơ chế huy động và lồng ghép các nguồn lực; một số địa phương còn chạy theo phong trào nên thiếu tính bền vững và hiệu quả thực hiện chưa cao… Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT cho biết: Đến hết năm 2012, công tác quy hoạch NTM so với mục tiêu đề ra mới chỉ đạt 68%, trong đó cao nhất là khu vực Bắc Trung bộ 88%, đồng bằng sông Hồng 79%, ĐBSCL 67%, Tây Nguyên 61%... Ngoài việc còn có tới 7 địa phương là Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Quảng Trị, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Nam có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch thấp, chỉ từ 2-5% thì chất lượng công tác quy hoạch cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là quy hoạch nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn xã còn thiếu tính kết nối vùng; quy hoạch hạ tầng xong thì chậm cắm mốc chỉ giới để nhân dân tiếp tục xây dựng vào phần đất đã quy hoạch làm hạn chế ý nghĩa, tác dụng của công tác này. Trong khi đó, công tác lập đề án xây dựng NTM cấp xã, theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, so với mục tiêu đề ra, đến hết tháng 12/2012 mới chỉ có 4.017/9.084 xã, chiếm 44% số xã phê duyệt xong. Tuy nhiên, trong số này cũng còn nhiều đề án chưa bám sát quy hoạch của xã, nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng tới sản xuất, môi trường, văn hóa; giải pháp thực hiện còn thiếu tính thực tiễn. Điểm sáng đáng chú ý nhất của Chương trình MTQG xây dựng NTM trong hai năm qua chính là kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu khi đến nay mỗi xã NTM đều có ít nhất một công trình hạ tầng mới, nhiều xã có 4-5 công trình, đặc biệt là về giao thông nông thôn. Việc kiên cố hóa nông thôn đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương và các vùng trên cả nước với gần 5.000 công trình và khoảng 64 nghìn km đã và đang được triển khai. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp nên huy động được nhiều hơn sự tham gia của người dân và cộng đồng. Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao cách làm của tỉnh Tuyên Quang: “Với chính sách cứ 1km đường bê tông, chiều rộng 3m, dày 16cm, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ 200 tấn xi măng, 2 triệu đồng và toàn bộ cống qua đường đã tạo ra “xung lực” động viên khuyến khích người dân đóng góp và chỉ sau 2 năm Tuyên Quang đã làm mới được 1.064km đường. Đây chính là cách làm hay mà các địa phương cần học hỏi và rút kinh nghiệm trong thời gian tới”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ rõ một số hạn chế như nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp. Theo đó, ngân sách trung ương trong 2 năm qua đã hỗ trợ cho 59 tỉnh hơn 3,26 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng năm 2012 là 1,67 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2011, trong khi ngân sách của các địa phương, đặc biệt là tại 11 xã điểm của Ban Bí thư, sau khi dừng hỗ trợ nguồn vốn trung ương thì các xã đã “hụt hơi” và tốc độ vươn lên hoàn thiện cũng như đảm bảo bền vững các tiêu chí đã đạt được còn hạn chế. Đến nay mới chỉ có duy nhất xã Tân Thông Hội - TP.HCM hoàn thành cả 19 tiêu chí. Chính vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, tới đây sẽ yêu cầu các xã điểm rà soát đánh giá những mặt yếu chưa thực hiện được để có kế hoạch khắc phục, đồng thời trong năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí bổ sung từ ngân sách trung ương để giúp các xã điểm này sớm về đích, trở thành mô hình hoàn chỉnh phục vụ học tập và nhân rộng ra trên toàn quốc. Cũng theo Bộ trưởng, việc chỉ đạo và xác định số xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015 là quá cao (26,7%), trong đó có nhiều xã mới chỉ đạt 5-6 tiêu chí. Trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có hạn, các địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm huy động nguồn lực và trong chỉ đạo thực hiện các tiêu chí, do đó thời gian tới cần phải điều chỉnh lại tỷ lệ này mới có tính khả thi và sát với thực tiễn. Theo báo cáo rà soát của các địa phương, đến nay, trong tổng số 2.377 xã, chiếm 26,3% tổng số xã của cả nước, đăng ký phấn đấu đạt xã NTM vào năm 2015 thì mới chỉ có 9 xã (chiếm 0,1%) đạt được 18/19 tiêu chí, 1% số xã đạt từ 13-15 tiêu chí và 11% số xã đạt 10-12 tiêu chí. Với những con số này, Trưởng BCĐ Trung ương đã đồng ý tạm thời chưa giao mục tiêu cụ thể cho các tỉnh, thành về số xã phấn đấu đạt NTM. Trước mắt, BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM chỉ đạo đến cuối năm 2013 sẽ phải hoàn thành công tác quy hoạch chung trên cả nước, đảm bảo chất lượng và xong công tác cắm mốc chỉ giới theo quy hoạch phê duyệt, đồng thời tập trung hỗ trợ các xã có tiến độ chậm hoặc chưa triển khai. Hiện nay, BCĐ đã có đề xuất với Bộ Tài chính sớm rà soát, sửa đổi quy định về thủ tục thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho Chương trình MTQG xây dựng NTM tại các xã theo hướng đơn giản hóa, đồng thời nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ ngân sách tối thiểu của ngân sách các cấp hỗ trợ trực tiếp theo hướng tăng nguồn thu cho ngân sách cấp xã nhằm tăng nguồn lực cho các hoạt động xây dựng NTM./. Nguyễn Tiến Dũng (Nguồn Báo Kinh tế Việt Nam) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn