Nhân dân xã Bình Khê (Ðông Triều) hăng hái hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: NGUYỄN THANH TÙNG |
Là huyện có 14 trong tổng số 21 xã, thị trấn miền núi với 11 dân tộc anh em sinh sống, nhưng Ðông Triều có đội ngũ cán bộ khá đồng đều về trình độ chuyên môn. Phần lớn cán bộ, công chức ở huyện, gần 84% số cán bộ chủ chốt xã, thị trấn đều tốt nghiệp đại học, một con số không dễ gì có được với một huyện miền núi. Ban Thường vụ Huyện ủy đặt mục tiêu đến năm 2014, đội ngũ cán bộ chủ chốt và công chức xã vượt chuẩn về trình độ chuyên môn theo yêu cầu của Chính phủ. Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hà Hải Dương, đó là kết quả dày công và cũng là quyết tâm lớn của huyện. Nhiều năm nay, Huyện ủy làm ráo riết, quyết liệt việc quy hoạch gắn kết hài hòa với đào tạo, luân chuyển bố trí và sử dụng cán bộ. Mỗi chức danh quy hoạch từ hai đến ba cán bộ, đủ nguồn cho việc lựa chọn khi làm nhân sự. Hằng năm lại đánh giá, rà soát, bổ sung quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, hoặc ít có điều kiện phát triển. Trên cơ sở quy hoạch, cán bộ được đi đào tạo với nhiều loại hình phù hợp, cán bộ trẻ nhất thiết phải đào tạo chính quy về chuyên môn, rèn luyện qua cơ sở; chỉ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch và đạt chuẩn về trình độ chuyên môn cũng như các quy định khác.
Sau nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 23 và bầu cử HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy lại rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 107 lượt cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý, 1.047 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. 526 cán bộ trong số đó đang theo học tại các trường đại học. Số cán bộ luân chuyển từ đầu nhiệm kỳ tới nay cũng đạt con số gần 100 đồng chí, gấp đôi nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, qua trò chuyện với một số cán bộ làm công tác đảng, chúng tôi cảm nhận được rằng, để công tác quy hoạch bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống chính trị, các cấp ủy cần có sự thống nhất, liên thông quy hoạch giữa các cơ quan khối đảng, đoàn thể và quản lý nhà nước, tránh tình trạng khép kín của từng ngành. Cần phân biệt rõ giữa quy hoạch và công tác nhân sự; quy hoạch nên bảo đảm ba độ tuổi, bởi thực tế tỷ lệ cán bộ trẻ còn ít, vẫn còn tình trạng thiếu nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt ở một số cơ quan, địa phương cơ sở.
Ðánh giá đúng cán bộ và từng bước chuẩn hóa cán bộ
Khó nhất trong công tác cán bộ là khâu đánh giá, bởi nhiều khi anh em còn e dè, nể nang. Vì thế, những năm gần đây, Huyện ủy dùng nhiều kênh thông tin để bảo đảm việc đánh giá được khách quan, công tâm, chính xác hơn; đánh giá trong từng khâu của công tác cán bộ, làm thường xuyên hằng năm và khi kết thúc mỗi nhiệm kỳ bầu cử. Ðó là cơ sở để các cấp ủy làm tốt hơn các khâu còn lại, bảo đảm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp một cách hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Huân cho biết như vậy khi trao đổi ý kiến về cách làm đối với các bước nhạy cảm nhất của công tác này.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các kênh thông tin mà đồng chí Bí thư Huyện ủy nói đến đó là, hằng năm cấp ủy cơ sở tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến đối với các chức danh công chức xã, như tài chính, địa chính, công an, tư pháp. Những trường hợp có nhiều ý kiến góp ý sẽ giải trình, nếu đúng thì phải đăng ký thời gian khắc phục, sửa chữa. Hai năm một lần, cấp ủy lại chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh bầu cử, nếu uy tín thấp hoặc phiếu tín nhiệm dưới 50% sẽ chuyển công tác khác. Một số cán bộ chủ chốt như bí thư đảng ủy, hoặc chủ tịch UBND các xã Ðức Yên, Việt Dân đã chấp nhận sang làm cán bộ tư pháp hộ tịch, hoặc chủ tịch hội nông dân xã. Mặt khác, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy đã có nghị quyết, thảo luận kỹ trong các đảng bộ. Các bước được tiến hành hết sức thận trọng, khách quan, để cán bộ không đủ điều kiện theo quy định vui vẻ nhận công việc khác. Chuẩn bị công việc này, Ban Tổ chức Huyện ủy làm việc với từng ban thường vụ đảng ủy xã, tổ chức và giám sát việc bỏ phiếu kín với từng trường hợp và báo cáo kết quả để Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định.
Do yêu cầu chuẩn hóa cán bộ mà cho chuyển công tác, hoặc giải quyết nghỉ chế độ với những cán bộ không đạt chuẩn là việc làm kỳ công lắm, bởi nó liên quan đến từng con người. Song, Huyện ủy Ðông Triều đã làm công việc này khá hiệu quả. Trong năm 2013, 16 đồng chí là ủy viên ban thường vụ đảng ủy xã, thị trấn không đạt chuẩn (chưa có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành) đã đồng ý thực hiện chủ trương nêu trên. Năm trường hợp chưa đạt chuẩn còn lại đã nộp hồ sơ thi vào các trường đại học cho nên tạm thời chưa xem xét. Các xã Hồng Thái Ðông, Bình Khê có đến ba cán bộ có tên trong danh sách này, trong đó gồm cả bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy. Có sự đồng thuận ấy là vì ngay từ khi làm nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2010- 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã nêu rõ từng trường hợp cụ thể, nếu không học đại học chuyên ngành sẽ phải chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ; nghị quyết đại hội đảng bộ cũng ghi rõ yêu cầu năm chức danh chủ chốt cấp xã phải có bằng đại học chuyên ngành và trung cấp lý luận chính trị.
Giải thích những băn khoăn của chúng tôi về việc tìm người thay khi một số xã có nhiều cán bộ chủ chốt cùng nghỉ hoặc chuyển công tác, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Văn Thắng cho rằng, huyện hoàn toàn chủ động và đủ nguồn thay thế do làm tốt quy hoạch và có lộ trình khá cụ thể. Ðó là việc không chỉ nâng cao chất lượng cán bộ mà còn tạo động lực để cán bộ cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng Ðông Triều thành huyện nông thôn mới và quá trình đô thị hóa của thị xã Ðông Triều tương lai.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn