Gỡ khó
Chúng tôi gặp lại lão nông Võ Đình Vóc (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) khi ông đã là chủ một trang trại quy mô lớn, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng. Sau nhiều năm nỗ lực tìm tòi phương thức sản xuất mới, giờ đây, Võ Đình Vóc đã là chủ nhiệm của một HTX sản xuất quy mô. Đàn lợn nái mỗi năm xuất chuồng hơn 2.000 con, thu khoảng 2,5 tỷ đồng, cộng với 300 con lợn thương phẩm, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa xấp xỉ 2,3 tỷ đồng. "Nếu tính cả diện tích nuôi cá diêu hồng, cá chép lai… doanh thu mỗi năm trên 5 tỷ đồng" - ông Vóc nhẩm tính.
Cũng như bao người nông dân khác, từ khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương, Võ Đình Vóc đã đi từ Bắc chí Nam, tiếp cận rất nhiều phương thức sản xuất với mong muốn vượt lên chính mình, song lợi nhuận chẳng đáng là bao. Thiếu vốn, thiếu kiến thức KHKT, quy mô sản xuất nhỏ lẻ… là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của các hình thức sản xuất mà Võ Đình Vóc đã trải qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chia sẻ với chuyên gia nước ngoài về những thành công của dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Oanh |
Giữa năm 2012, trong chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại huyện Cẩm Xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự - Trưởng BCĐ chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đã đến thăm trang trại chăn nuôi của Võ Đình Vóc. Sau khi nghe gia đình ông trình bày tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc trong việc vay vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự yêu cầu ngân hàng và các sở, ngành liên quan cùng tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn, các thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng... Từ đó, HTX Chăn nuôi tổng hợp Cẩm Trung do Võ Đình Vóc làm chủ nhiệm đã đạt những kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Đã thành thông lệ, vào thứ 7 hàng tuần, đoàn kiểm tra NTM của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BCĐ Võ Kim Cự đã có mặt ở hầu khắp các địa phương để kiểm tra, nắm tình hình thực hiện chương trình NTM. Thông qua những “Ngày thứ 7 NTM” này, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đồng thời gợi mở, hướng dẫn các địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.
Ngoài ra, các đoàn công tác của tỉnh, trong đó, mỗi đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách một địa phương thường xuyên bám cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất. Mỗi địa phương mỗi thế mạnh, sau khi được gỡ khó, tư vấn đã tìm ra một hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tế. Nghi Xuân, Lộc Hà chọn mũi đột phá phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, nuôi tôm trên cát; Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên tập trung dồn điền đổi thửa, liên kết với doanh nghiệp xây dựng các cánh đồng sản xuất chuyên canh lớn và Vũ Quang, Hương Khê ưu tiên phát triển chăn nuôi với việc xây dựng các mô hình liên kết trên cả 3 loại quy mô: lớn - vừa - nhỏ.
Đồng hành
Ngay từ lúc khởi động chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh xác định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả quá trình. Song song với việc hoàn thành đề án quy hoạch xây dựng NTM, 235/235 xã trên địa bàn đã xây dựng đề án sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Để định hướng cho các địa phương trong quá trình thực hiện, tỉnh ta đã phê duyệt các chương trình, quy hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Từng bước nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, tăng nhanh sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, nâng cao vai trò doanh nghiệp (DN) theo hướng: DN hóa, liên kết hóa và xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn.
Cơ giới hóa giúp rút ngắn thời gian thu hoạch trên đồng ruộng |
Quyết định 24 và 26 của UBND tỉnh ra đời (sau đó bổ sung, điều chỉnh theo Quyết định 09 và 11) trong bối cảnh người nông dân đang rất cần sự đồng hành, giúp sức để hiện thực hóa định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà. Hàng nghìn hộ nông dân, tổ hợp sản xuất, HTX đã được thụ hưởng các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao KHKT, phát triển hình thức sản xuất… cũng như tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất nhằm mở rộng quy mô, xây dựng quy trình khép kín gắn sản xuất với thị trường, hàng hóa.
Cùng với việc xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích, thúc đẩy DN, cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Hà Tĩnh đã xây dựng danh mục các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đề án “Quản lý chuỗi sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATVSTP, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, “đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với liên kết vùng sản xuất theo 3 vùng sinh thái: miền núi, đồng bằng và ven biển… Động lực từ những chính sách mới đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nền sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp không ngừng tăng. Nhiều mô hình, loại hình tổ chức SXKD hiệu quả, bền vững ra đời có tính lan tỏa cao. Trong 3 năm xây dựng NTM, tỉnh ta đã xây dựng gần 2.300 mô hình SXKD có doanh thu trên 100 triệu đồng/mô hình.
Tiếp thêm sức cho người dân thể hiện vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh ta đã phát động phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”. Chủ tịch UBND tỉnh gửi thư kêu gọi các tổ chức, DN và các nhà hảo tâm, con em Hà Tĩnh sinh sống, công tác trên mọi miền Tổ quốc cùng chung sức xây dựng NTM. Đồng thời giao các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị và DN nhà nước có trách nhiệm tài trợ, đỡ đầu các xã xây dựng NTM. Nhờ đó đã tạo được sức lan tỏa cả chiều rộng lẫn chiều sâu, 84 đơn vị đỡ đầu 106 xã với số tiền gần 100 tỷ đồng; 225 đơn vị, tổ chức, cá nhân tài trợ 104 xã với số tiền hơn 150 tỷ đồng…
Quả ngọt
Khi ý Đảng hợp lòng dân, chủ trương được hiện thực hóa bằng những chính sách, cách làm cụ thể, sáng tạo mà thực tiễn, sau 3 năm triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh ta đã đạt được những kết quả bước đầu khá toàn diện, rõ nét, lan tỏa về chiều rộng và từng bước đi vào chiều sâu. Ngoài 7 xã: Tùng Ảnh (Đức Thọ), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Kỳ Tân (Kỳ Anh), Thiên Lộc (Can Lộc), Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh), Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), Thạch Châu (Lộc Hà) đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, đến nay, có 15 xã hoàn thành 13–18 tiêu chí, 190 xã hoàn thành 5-12 tiêu chí và 19 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Theo ông Trần Huy Oánh - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối NTM tỉnh, từ bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xây dựng tại các xã điểm, mô hình mẫu, tỉnh ta đã chuyển hóa phương châm chỉ đạo vừa “diện” vừa “điểm”, với mục đích huy động tổng lực tiến hành xây dựng NTM một cách toàn diện, đồng bộ, xây dựng NTM trên tất cả các địa phương và thực hiện đồng thời các tiêu chí.
Ngô Tuấn
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn