Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm ở Quảng Ninh: 65 sản phẩm được đăng ký triển khai
Thưa ông, mục tiêu năm 2014 của Chương trình OCOP của Quảng Ninh hướng đến những nội dung nào?
- Theo kế hoạch đề ra, mục tiêu chính của chương trình này trong năm 2014 là tập trung hình thành lên bộ máy điều hành, quản lý chương trình ở các cấp; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng dân cư và tập trung tái cơ cấu các sản phẩm đã có để trở thành sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Đến thời điểm này, mọi công việc đề ra từ đầu năm đều thực hiện theo đúng lộ trình. Một số việc đã cho thấy kết quả rõ nét, điển hình như: Công tác tuyên truyền thông qua các hội thảo, các cuộc tập huấn, các hội nghị triển khai ở các địa phương và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ và một số tổ chức sản xuất, nhất là cán bộ cơ sở từ chỗ chưa hiểu gì về chương trình, nay đã được nâng lên. Họ đang chủ động vào cuộc một cách tích cực.
Thời gian triển khai Chương trình OCOP mới chỉ hơn nửa năm, song kết quả được đánh giá khả quan. Vậy sự “khả quan” đó được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Trước hết là việc thành lập được Ban điều hành OCOP cấp tỉnh do đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, đồng thời lập ra 4 tiểu ban chuyên môn giúp việc cho ban điều hành. Ở các địa phương đến nay đã có 12/14 đơn vị đã có quyết định thành lập ban điều hành OCOP cấp huyện; một số địa phương thành lập được tổ giúp việc cho ban điều hành như các huyện: Đông Triều, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.
Thứ hai là công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ bằng nhiều hình thức: Đã tổ chức thành công hội thảo cấp tỉnh vào tháng 2.2014; tuyên truyền thông qua các hội nghị triển khai OCOP ở 11/14 địa phương; mở chuyên mục OCOP trên Cổng thông tin điện tử của Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh; xây dựng website riêng của Chương trình; hoàn thành việc thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu; các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cũng đã vào cuộc tuyên truyền đậm nét cho Chương trình OCOP của tỉnh. Đặc biệt, vừa qua Chương trình OCOP được nhiều người biết đến thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội Hoa anh đào, Hội chợ Thương mại - Du lịch Hạ Long và một số hội nghị khác của tỉnh.
Thứ ba là việc xác định rõ sản phẩm để chỉ đạo trong năm 2014 đã được quan tâm. Ngay từ đầu năm, đơn vị tư vấn đã lập tổ công tác đi điều tra từng sản phẩm ở 13 đơn vị cấp huyện để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch triển khai sát với tình hình thực tế. Đến nay các địa phương đã đăng ký 65 sản phẩm và nhóm sản phẩm để thực hiện trong năm nay. Qua sàng lọc, chúng tôi thấy nhiều nhất vẫn là các sản phẩm ẩm thực (chiếm gần 50%), còn lại là thảo dược, đồ uống, dịch vụ và trang trí, nội thất, đồ lưu niệm. Vừa qua chúng tôi đã xem xét và chọn ra 34 sản phẩm có tính khả thi cao để đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo từ nay đến hết năm 2014 sẽ hoàn thiện và đưa vào các Trung tâm OCOP. Ngoài ra Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn OCOP; tập trung xây dựng khung chính sách hỗ trợ sản phẩm và hiện đang thống nhất với các địa phương, đơn vị để hình thành chuỗi các trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Ninh.
Quá trình triển khai OCOP dường như có không ít khó khăn. Theo ông đâu là những vướng mắc lớn nhất, cần tập trung tháo gỡ?
- Đúng như thế! OCOP là một chương trình mới, được Quảng Ninh nghiên cứu, áp dụng sáng tạo dựa trên Chương trình OVOP của Nhật Bản, OTOP của Thái Lan, nên ban đầu không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc. Theo tôi, có một số khó khăn cần phải tháo gỡ ngay. Đó là phải nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ các cấp, của các đơn vị sản xuất và cộng đồng dân cư. Để làm hiệu quả điều này, cần phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục để họ thấy rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của Chương trình OCOP trong phát triển sản xuất dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng địa phương, từng sản phẩm truyền thống, từ đó phát triển lên thành các sản phẩm có thương hiệu mạnh, như mục tiêu đề ra là: “Sản phẩm địa phương, hướng đến toàn cầu”. Đội ngũ cán bộ tham mưu ở cấp huyện cũng như cơ sở cũng còn lúng túng trong vận dụng các cơ chế, chính sách trong việc lập các dự án hỗ trợ sản xuất trong Chương trình OCOP. Một vấn đề nữa, Nhà nước có chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay tiến độ thành lập mới hoặc chuyển đổi mô hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012 diễn ra chậm. Các địa phương cũng chưa hình thành được các doanh nghiệp mang tính cộng đồng, do đó phần nào đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của Chương trình.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình OCOP ra toàn tỉnh, từ nay đến hết năm 2014, Quảng Ninh sẽ tập trung những nội dung nào, thưa ông?
- Theo chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành OCOP, cơ quan truyền thông các cấp của Quảng Ninh cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chương trình này thông qua việc xây dựng các clip giới thiệu quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm OCOP, thông qua đó nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhân dân về chương trình. Việc tiếp theo là khẩn trương hoàn thành việc thiết kế mẫu mã, bao bì cho các sản phẩm được lựa chọn trong năm 2014.
Thời gian tới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ “khuyến công” theo hướng bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương. Quảng Ninh chỉ hỗ trợ những nội dung theo yêu cầu của từng sản phẩm, thông qua kinh phí của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các địa phương, cần khẩn trương phê duyệt địa điểm để xây dựng trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng các dự án sản xuất, dịch vụ thương mại và du lịch trên địa bàn.
Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn