Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Thạc Hùng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho hay: Là huyện ven đô ở phía Tây Hà Nội, Đan Phượng có diện tích đất khá chật hẹp. Do đó, khi xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tuyên truyền sâu, sát để nhân dân hiểu rõ xây dựng NTM là đem lại lợi ích cho chính mình.
“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ sau 3 năm bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã đầu tư xây dựng được 43 nhà văn hóa thôn, 47km đường trục thôn, 131,2km đường ngõ, xóm cùng hơn 80km đường trục nội đồng… Tổng kinh phí thực hiện các công trình là 1.171 tỷ đồng, tiết kiệm được 234,5 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Trong đó nhân dân đóng góp 413.722 ngày công, tương đương 145,6 tỷ đồng; nhân dân thực hiện xã hội hóa được 76 tỷ đồng, hiến 1.579m2 đất…” – ông Hùng cho biết.
Là hộ tham gia đóng góp gần 100m2 đất thổ cư cho xã Phương Đình để mở rộng đường, ông Nguyễn Công Tuấn ở thôn Địch Thượng cho hay: “Làm NTM là để mình hưởng thụ, nên dù phải đóng góp đất đai, tiền của nhiều hơn nữa thì chúng tôi cũng không tiếc đâu”.
Ngoài huy động tốt nguồn lực trong dân, trong quá trình làm đường giao thông nội đồng, huyện Đan Phượng còn vận động được các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp 35% giá trị các công trình. Tính chung sau 3 năm, huyện đã huy động được 25 doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM, trong đó một số doanh nghiệp đóng góp lớn như Công ty Xây dựng Hoàng Phát gần 3 tỷ đồng; Công ty Xây dựng thương mại Minh Hưng trên 2,5 tỷ đồng…
Điều đáng chú ý là nhờ bám sát phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” nên trong quá trình triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện không hề có ý kiến thắc mắc hay đơn thư khiếu nại của nhân dân, không để nợ xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án NTM.
Tính đến nay, Đan Phượng đã hoàn thành tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản; 6 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM; 9 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí… Đan Phượng đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% số xã hoàn thành các tiêu chí NTM.