Làng Ích Hậu vốn chỉ là vùng đất cát pha, bốn phía sông ngòi bao bọc, từ xưa vốn nổi tiếng là một miền quê nghèo. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đất và người nơi đây đã có nhiều thay đổi. Từ chỗ hoang sơ, đói nghèo, nhờ bàn tay, khối óc của con người, Ích Hậu dần trở nên nhộn nhịp, sầm uất. Có lẽ chính từ sự khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nên người dân làng Ba Xã xưa đã sớm nuôi dưỡng ý chí hiếu học. Vùng đất được bao bọc bởi thổ nhưỡng của các con sông ấy đã sớm sản sinh cho đất nước những anh hùng tuấn kiệt.
Ngày nay, Ích Hậu luôn tự hào là quê hương của Hoàng giáp Đông các hiệu thư Trần Đức Mậu đời Lê Thánh Tông, Tam nguyên Hoàng giáp, Tể tướng Nguyễn Văn Giai là công thần "khai quốc" thời Lê Trung Hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê -Trịnh. Đặc biệt, đây còn là quê hương của dòng họ Nguyễn Chi nổi tiếng về truyền thống yêu nước, văn chương và khoa bảng. Dòng họ Nguyễn Chi dã sinh ra những tên tuổi lớn như: nhà giáo và chí sĩ Nguyễn Hiệt Chi người đồng sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh theo tinh thần Duy Tân ở Phan Thiết, lãnh tụ phong trào chống thuế Nghệ Tĩnh Nguyễn Hàng Chi, Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi - Thứ trưởng Bộ Y tế thời kháng chiến chống Pháp, Giáo sư nhà văn hóa học Nguyễn Đổng Chi, Giáo sư dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Giáo sư cổ văn học Nguyễn Huệ Chi, Phó giáo sư chuyên gia mỹ thuật cổ Nguyễn Du Chi...
Ngoài ra, cũng ở Ích Hậu còn có nhà cách mạng tiếng tăm Lê Viết Lượng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Về sau, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống cách mạng, tiết khí quả cảm, yêu nước của người Hà Tĩnh, bao lớp gái trai Ích Hậu đã xông pha ra trận, chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc…
Di tích văn hóa Đền Cả (Tam Lang) được xếp hạng Quốc gia tại xã Ích Hậu |
Dường như cũng chính thổ nhưỡng của các dòng sông đã kiến tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của người Ích Hậu. Những ngôi đền lớn như đền Cả, đền thờ Nguyễn Văn Giai… với lối kiến trúc chạm trổ tinh vi, thể hiện sự phát triển sớm về văn hóa tâm linh của vùng đất này. Đền Cả được xây dựng năm 1475 thờ 3 vị Lý Nhật Quang (hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ) và 2 vương hầu là Lý Đạo Thành và Lý Thái Giai là 3 vị đã có công hướng dẫn nhân dân vùng Tây nam Hồng Lĩnh khai lập nên một số làng trong đó có làng Kẻ Ngật (thuộc Ích Hậu). Về sau đền còn thờ thêm 2 vị công thần nhà Trần là Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư.
Hàng năm tại đền Cả diễn ra khá nhiều lễ như Khai hạ (đầu năm), sắp ấn (cuối năm) và đặc biệt là lễ Xuân Điển nhằm tưởng nhớ thần Tam Lang có công giúp quân Đại Việt đánh thắng giặc ngoại xâm. Lễ hội được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 1 âm lịch rất trọng thể với nghi thức quốc lễ. Lễ hội có hát tụng thần, có hát chèo, tuồng, thi nấu cơm. Ba năm một lần làng có tổ chức bơi thuyền rồng, rước thần trên kênh trước đền. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và đời sống xã hội, ngày nay các lễ hội ở các ngôi đền này đều đã lần lượt được khôi phục, thu hút hàng trăm lượt du khách thập phương. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đó, di tích đền Cả và đến thờ Nguyễn Văn Giai đã được xếp hạng là di tích văn hóa cấp Quốc gia.
Ích Hậu trên chặng đường mới
Thừa hưởng những truyền thống văn hóa, lao động sản xuất từ xa xưa, ngày nay Ích Hậu cũng đang vươn mình trong sự phát triển chung của cả tỉnh. Với vị thế khá thuận lợi là vựa lúa của huyện Lộc Hà, nhiều năm qua kinh tế Ích Hậu đang phát triển khá toàn diện. Những dư âm về cái đói, cái nghèo ám ảnh bao thế hệ nhân dân giờ đây đã được đẩy lùi. Những ngày này, đi trên những cung đường rải nhựa êm ru chạy xuyên qua những cánh đồng thơm hương lúa mới, chúng tôi như cũng chung niềm hân hoan với bà con nơi đây.
Ông Trần Quốc Trình – Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết: “Những năm qua, Ích Hậu cũng hướng tới thực hiện gắn phát triển kinh tế với nâng cao tri thức văn hóa. Sự đồng thuận giữa ý Đảng lòng dân đang là một thế mạnh cho Ích Hậu vươn lên. Thời gian qua, chúng tôi đã huy động được nhiều nguồn lực tập thể và cá nhân trong ủng hộ, quyên góp xây dựng các thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa, hội quán, làm đường bê tông, xây dựng cổng làng, chuyển đổi đất để xây dựng nhà văn hóa. Đến nay 5/5 thôn có nàh văn hóa với tủ sách và các thiết bị truyền thanh hiện đại, 2/5 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh, hơn 86% gia đình đạt danh hiệu văn hóa...”.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn nghệ thể thao cũng diễn ra rất sôi nổi với nhiều CLB văn hóa nghệ thuật, các CLB này đã lồng ghép tuyên truyền có hiệu quả cao các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, Ích Hậu cũng đang nỗ lực hết mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trên khắp những con đường, ngõ xóm, một diện mạo mới đang dần hiện hữu. Những công trình trường, trạm đang được chính quyền địa phương chú trọng đầu tư không chỉ về vật chất mà còn về trí thức nhằm từng bước nâng cao hiệu quả y tế, giáo dục nhằm tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông. Hiện nay xã cũng đã quy hoạch vùng ngã tư đầu tỉnh lộ 7, bắc cầu kênh cạn cho doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh, tạo sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Mở rộng thị trường chợ Eo, thu hút khách hàng, tạo mọi điều kiện cho các hộ giao lưu buôn bán ra các huyện trong và ngoài tỉnh…
Với những truyền thống văn hóa có giá trị, với những cơ chế, chính sách tạo sự thuận lợi cho phát triển kinh tế, đất và người Ích Hậu đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong sự phát triển kinh tế, văn hóa chung của huyện Lộc Hà.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn