Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi trên khắp cả nước, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi thay, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, vai trò lãnh đạo của Đảng ở các vùng nông thôn được nâng cao hơn…
Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Nhìn chung, từ khi bắt đầu triển khai Chương trình NTM đến nay, các địa phương vẫn ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, coi đây là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá - an ninh và đặc biệt là tăng hưởng thụ trực tiếp của người dân.
Vì vậy, chương trình được tuyệt đại đa số người dân đồng thuận. Ở nhiều nơi đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay: chính sách hỗ trợ xi măng để nhân dân làm đường của tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang…. Hoặc như các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam áp dụng mô hình PPP, tức là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho công trình đầu mối, còn DN tư nhân bỏ tiền đầu tư và được thu phí.
Mỗi khi có cách làm hay các tỉnh lại học tập kinh nghiệm lẫn nhau và đã có 30 tỉnh, thành phố tham quan và tổ chức hội nghị chuyên đề để rút kinh nghiệm về cách thực hiện các tiêu chí của nhóm cơ sở hạ tầng.
Nổi bật trong thời gian qua là các tỉnh đều áp dụng chính sách hỗ trợ xi măng, cống (chiếm khoảng 50% kinh phí xây dựng), cộng đồng dân cư hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp tiền, công lao động và vật liệu khác nên đã thúc đẩy tiến độ phát triển giao thông nhanh hơn trước.
Sau 3 năm thực hiện chương trình, đã có 11% số xã đạt tiêu chí đường GTNT; 31,2% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi. Về điện, từ năm 2010 - 2013, nguồn vốn huy động đầu tư cải tạo và xây mới hệ thống điện nông thôn khoảng 15.000 tỷ đồng đã có 5.964 xã (66,2%) đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện.
Thực hiện xây dựng NTM, các tỉnh đã thúc đẩy dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại đồng ruộng, nhất là giao thông, thủy lợi tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đồng thời có chính sách hỗ trợ dân mua máy cày, gặt, sấy, đưa tỷ lệ cơ giới hóa các khâu này tăng vọt từ 40-50% lên 80-90%.
Cùng với chính sách phát triển hạ tầng SX, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa nông nghiệp, các mô hình phát triển kinh tế mới cũng lần lượt xuất hiện: Mô hình Cánh đồng mẫu lớn gắn kết nông dân SX nguyên liệu với nhà máy chế biến và DN thương mại được 43 tỉnh thành trên cả nước nghiên cứu áp dụng.
Riêng vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014, toàn vùng đã mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên đến 100.000 ha, nhiều nhất tại An Giang (35.000 ha), Cần Thơ (14.228 ha)... Bình quân mỗi Cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL có diện tích từ 300 - 1.000 ha, phù hợp với điều kiện về hạ tầng, liền canh, thuận tiện trong canh tác, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến đồng loạt, thu mua, vận chuyển lúa hàng hóa.
Cánh đồng lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao
Những nội dung, phương pháp xây dựng NTM được các Chi bộ quán triệt trong đảng viên trong các buổi sinh hoạt. Từ các buổi sinh hoạt Chi bộ này, đã có những cách làm hay, những sáng tạo được vận dụng Điển hình như Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Tĩnh, An Giang…, xã nào cũng phân công cán bộ lãnh đạo, các đoàn thể phụ trách một số nội dung cụ thể trong đề án xây dựng NTM. Ví dụ: Hội Nông dân đảm nhận việc vận động cải tạo vườn tạp; Đoàn Thanh niên đảm trách vệ sinh môi trường; Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. |
Tại một số tỉnh, thành phố lại phát triển mô hình SXNN gắn với du lịch ở nông thôn (xã Yên Đức, huyện Đông Triều, Quảng Ninh; xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang…), hằng năm đã thu hút được hàng trăm ngàn lượt khách du lịch; một số tỉnh đang xúc tiến xây dựng làng sinh thái, làng cổ truyền thống gắn với du lịch để tạo hấp dẫn thu hút DN cho địa bàn, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Khu vực TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng thì triển khai mạnh các mô hình SX ứng dụng công nghệ cao và có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân vay SX. Do đó, nhiều hộ nông dân, trang trại đã áp dụng; đã có hàng trăm mô hình có hiệu quả.
Tỉnh Lâm Đồng có 10.000 ha (11%) diện tích đất có mức thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Tính đến nay, trên cả nước đã có khoảng trên 9.000 mô hình SX với tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 8.400 tỷ đồng đem lại năng suất thu nhập cao hơn trước từ 15 - 40%, hiệu quả là thu nhập của cư dân nông thôn năm 2013 tăng bình quân gấp 1,8 lần năm 2010.
Sức mạnh đồng thuận
Thực tiễn sau 3 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM cho thấy, xã điểm nào ngay từ đầu đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân, cán bộ xã thông hiểu, tạo cách làm để người dân thực sự đóng vai trò chủ thể thì đều tạo ra được sự đồng thuận cao và huy động được hệ thống chính trị vào cuộc, có nhiều sáng tạo trong huy động nguồn lực thì đều đạt kết quả cao trong thực hiện các tiêu chí.
Khi triển khai xây dựng NTM, các xã đều thiếu vốn và tổng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương dành cho Chương trình trong 3 năm qua (2011 - 2013) chỉ xấp xỉ 35.500 tỷ đồng, đạt khoảng 34% so với tổng mức đầu tư.
Tuy nhiên, do Chương trình NTM mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân trên cả nước và huy động được sự tham gia của vốn ngoài ngân sách khiến nguồn lực đầu tư cho Chương trình NTM trong 3 năm qua nâng lên tới 105 ngàn tỷ đồng.
Việc huy động nguồn lực trong dân được thực hiện theo nhiều hình thức: đóng góp trực tiếp bằng công sức, tiền của vào các công trình đường, trường, trạm; thu hút đầu tư, hợp tác với các DN, vay vốn tín dụng từ các ngân hàng để đầu tư vào phát triển SX kinh doanh, cải tạo nâng cấp nơi ở, công trình vệ sinh, cải tạo vườn, ao, sửa sang vườn rào, cổng ngõ để có cảnh quan và môi trường sạch đẹp...
Và bài học kinh nghiệm để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân là phải ưu tiên tập trung giải quyết những nội dung cần thiết nhất và có cơ chế để người dân làm chủ. Các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.
+ Xây dựng NTM phải dựa theo Bộ tiêu chí để định hướng hành động và lấy tiêu chí làm thước đo để đánh giá kết quả. + Nhiều địa phương đã thực hiện xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, cả nước đã có gần 60 nghìn nhà văn hóa ở các khu dân cư, có trên 1,3 triệu "Người tốt, việc tốt" được biểu dương ở các cấp; 16 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa” và hơn 65 nghìn khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn