Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 để báo cáo Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5 của Đảng vào tháng 4/2012.
Nhìn lại hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã không ít lần đặt mục tiêu cải cách hệ thống tiền lương công chức nhưng kết quả hầu như không biến chuyển. Những bất cập lớn nhất vẫn không được giải quyết và càng ngày càng gây bức xúc. Vậy điều gì đã cản trở cuộc "cách mạng tiền lương"?
Bộ máy cồng kềnh
Theo Tiến sĩ Trần Văn Phùng, khoa Quản trị kinh doanh - Học viện Tài chính, một cản trở đầu tiên đó là bộ máy quản lý nhà nước quá cồng kềnh thể hiện trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, chúng ta đang có hai bộ máy, một của Đảng và một của nhà nước làm những việc chống chéo nhau, đôi khi cản trở nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước làm nhiều công việc không thuộc chức năng của mình: Các Bộ can thiệp quá sâu vào công việc của các đơn vị cơ sở. Nếu các Bộ chỉ tập trung làm công tác quản lý nhà nước thì bộ máy sẽ giảm đi rất nhiều
Rất nhiều cơ quan, đơn vị đang thực hiện những công việc không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Ngành nào cũng có vài Viện nghiên cứu, Trung tâm đào tạo nhưng có rất ít những sản phẩm nghiên cứu hay lớp học bồi dưỡng mang lại lợi ích thiết thực. Có vô số các đề tài nghiên cứu, các Hội thảo khoa học được thực hiện với mục tiêu duy nhất là “giải ngân” và báo cáo thành tích. Nếu chỉ dẹp đi 1/3 những công việc vô bổ này chúng ta cũng giảm biên chế đi được đáng kể.
Năng lực của một bộ phận công chức quá thấp, với sự tham gia của những nhóm “con ông cháu cha” hay “mua việc”. Các cán bộ công chức lại tốn quá nhiều thời gian vào việc họp hành, viết báo cáo. TS Phùng cho rằng nếu giảm số cuộc họp đi thì các cán bộ sẽ có nhiều thời gian làm việc hơn và biên chế theo đó cũng giảm đi đáng kể.
Cản trở thứ hai là tình trạng tham nhũng, tiêu cực tràn lan. Tham nhũng là cản trở lớn đối với việc thanh lọc đội ngũ và làm giảm sức ép phải cải cách tiền lương. Nếu bác sĩ không nhận phong bì của người bệnh, cảnh sát không thu tiền “mãi lộ” thì chắc chắn họ không thể sống được với nghề và họ sẽ bỏ việc. Như vậy sẽ tạo ra áp lực phải cấp bách cải cách. Tuy nhiên, thực tế tình trạng này không xảy ra và “công lớn” trong vấn đề này chính là tham nhũng, tiêu cực.
Ngân sách hạn hẹp, bao cấp nhiều
Cản trở thứ ba là ngân sách hạn hẹp, nguồn thu khó tăng đột biến. TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho rằng lâu nay chúng ta vẫn làm theo cách "gọt chân cho vừa giày", tức là làm một bài toán ngược là từ phần ngân sách nhà nước dành cho cải cách lương để từ đó quy ra định hướng cải cách phù hợp. Tuy nhiên, nếu chúng ta rà soát kỹ thì vẫn còn tồn tại những nguồn có thể huy động cho cải cách lương. Trước hết cần xoá bỏ những khoản bao cấp lớn và không hợp lý từ ngân sách.
TS Trần Văn Phùng cho rằng chính sách xã hội của Việt Nam giống như tình trạng một gia đình bố mẹ thì nghèo nhưng vẫn muốn chu cấp cho mọi đứa con và dẫn tới ngân sách gia đình kiệt quệ. Đành rằng công bằng xã hội là quan trọng nhưng nếu thiên về công bằng đến mức làm cho kinh tế không phát triển được thì công bằng đó sẽ dẫn tới công bằng trong đói nghèo.
Một cảnh báo đáng lo ngại từ báo cáo "Xu hướng việc làm Việt Nam" cho biết, ở Việt Nam, các vấn đề xã hội đang có phần gay gắt hơn, an sinh xã hội và chất lượng sống có chiều hướng đi xuống. Đặc biệt có tới 77% lực lượng lao động của Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ thiếu việc làm bền vững và dễ rơi vào nghèo đói. Thực tế, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây càng chứng tỏ và tô đậm thêm nguy cơ này.
Tóm lại, để cải cách tiền lương thì theo lô gic đơn giản sẽ dẫn đến hai con đường: giảm biên chế và giảm bao cấp cho các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, cả hai con đường này đều đầy rẫy những rào cản khó vượt qua. Cần sự bản lĩnh của các nhà lãnh đạo cũng như sự ủng hộ của toàn dân thì mới hy vọng có được thành công.
Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã nhấn mạnh cải cách tiền lương là vấn đề mang tính chất cấp bách, bức xúc và được tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị rất quan tâm. Hy vọng cuộc cải cách lần này không rơi vào tình trạng như các cuộc cải cách trước đây.
Hoàng Yến