Mô hình nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi. |
Xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) là một trong 11 xã của cả nước được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương chọn làm mô hình thí điểm xây dựng NTM. Sau gần ba năm thực hiện, xã đã đạt được những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng khá tốt, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Tùy vào thế mạnh của từng ngành, nghề sản xuất, xã Tân Thông Hội đã mở nhiều lớp học cho nông dân. Từ những lớp học đó nông dân của xã đã nâng cao được tay nghề trong sản xuất.
Gia đình của chị Trần Thị Lan là một trong những hộ được chọn làm mô hình thí điểm chăn nuôi bò sữa. Kể từ khi tham gia chương trình này, kinh tế gia đình chị đi lên từng ngày. Từ mô hình chăn nuôi khép kín bò sữa và trồng quế, hằng năm gia đình chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Chị Lan tâm sự: "Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, bò sữa của gia đình hiện có đã lên tới 45 con. Nhờ những khóa tập huấn do xã tổ chức mà tôi đã có thể phát hiện sớm được bệnh của bò để có cách phòng bệnh tốt hơn, hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi. Xã còn hỗ trợ vốn giúp gia đình tôi xây dựng được chuồng bò theo đúng quy chuẩn, đầu tư trang thiết bị nâng cao năng suất và chất lượng thành phẩm. Ngoài ra, do đường sá thuận lợi, người nuôi bò sữa có thể giao hàng theo đúng yêu cầu của công ty".
Cũng là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi của xã, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở ấp Trung đã đi lên nhờ trồng hoa lan. Với vườn lan Mokara, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng. "Ngày trước, gia đình tôi chỉ có khoảng 200 m2 đất vườn, nhờ được vay vốn với lãi suất thấp, tôi mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất hoa lan lên tới 3.500 m2. Những ngày đầu, tôi làm theo kinh nghiệm nên năng suất chưa cao. Từ khi được tham gia những lớp học do xã tổ chức và áp dụng vào thực tế, cây lan phát triển tốt hơn, hoa đẹp hơn do vậy giá cũng tăng theo" - ông Xuân phấn khởi cho biết.
Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội Trần Văn Chí vui mừng cho biết, chương trình xây dựng NTM với chủ trương: Dựa vào nội lực do cộng đồng làm chủ, nâng cao năng lực phát triển cộng đồng, điều kiện sống cho người dân nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, hoạt động dịch vụ, thương mại; phát triển mỗi ấp một nghề..., bộ mặt của xã thay da, đổi thịt từng ngày. Ðến nay, xã có 10 ấp, thì có bốn ấp đã đô thị hóa và sáu ấp nông nghiệp. Trong đó, số hộ nông dân làm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm 50%, số hộ làm nông nghiệp chỉ chiếm 25% và dịch vụ là 25%. Ðáng chú ý là sự đột phá về xây dựng đường giao thông nông thôn. Người dân đã tự nguyện hiến đất, trị giá hàng trăm tỷ đồng để mở rộng những con đường làng nhỏ hẹp thành những con đường trải nhựa rộng. Ðến nay, xã có 125 đường giao thông lớn, nhỏ với tổng chiều dài 80,72 km, trong đó có 12,8 km đường trục xã, liên ấp được nhựa hóa, cứng hóa 58,82%... Toàn xã đã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định được chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước khi xây dựng mô hình NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình NTM tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Ông Trần Văn Chí cho biết thêm, bên cạnh thành quả đạt được cũng còn một số khó khăn, như xây dựng trường lớp đạt chuẩn quốc gia hay một vài tiêu chí chưa đạt chuẩn và chưa mang tính bền vững như thu nhập của người dân chưa ổn định, một số mô hình khi nhân ra diện rộng đã bộc lộ những bất cập...
Ủy viên Thường trực HÐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Chín cho rằng, xây dựng và phát triển NTM là một chủ trương lớn, đòi hỏi một quá trình lâu dài, kiên trì thường xuyên và liên tục. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân sẽ là cơ sở để thành phố tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình NTM ở các địa phương nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho 1,4 triệu lao động tại năm huyện ngoại thành.
Hải Minh
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn