Từ trung tâm huyện lỵ, vượt hơn 10km với những ổ gà, hố trâu, xã Ea Ô “đón” chúng tôi bằng một ngã tư đường nhựa thênh thang, phẳng lỳ. Ở đấy, nhà cao tầng san sát, đường ngang ngõ tắt thoáng đãng, khang trang… Mọi thứ đều lạ lẫm so với tưởng tượng của chúng tôi về một xã thuần nông ở vùng quê xa lắc ấy.
Ea Ô là xã thực hiện sớm việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. |
Người người hiến đất
Chẳng riêng chúng tôi, ngay cả Chủ tịch xã Ea Ô - anh Nguyễn Minh Chuyền, cũng không ngờ rằng diện mạo của xã lại đổi thay nhanh đến thế: “Mới năm ngoái, nhiều thôn trong xã còn bị chia cắt, cô lập trong mùa mưa. Vậy mà chỉ trong 9 tháng, chuyện “đau đầu” đó đã được giải quyết triệt để”.
Chỉ trong 9 tháng, Ea Ô đã mở mới và nâng cấp hơn 90km đường giao thông, trong đó 70km được nâng cấp mở rộng mặt đường từ 3m lên 7 – 12m; 20km còn lại được san ủi mới hoàn toàn. Chuyện này, lúc mới bắt tay vào tưởng sẽ rất khó khăn, bởi để làm được đường phải chặt bỏ hơn 6.000 cây cà phê, 4.000 cây điều, hơn 10.000 cây trồng lâu năm khác; phá dỡ 250m2 sân bê tông, 200m tường rào, nhà tạm và phải lấy gần 150.000m2 đất của dân… Toàn bộ số tài sản đó tính ra đến hơn 5 tỷ đồng. Vậy mà, chỉ sau một cuộc vận động Ea Ô đã làm được.
Chủ tịch Nguyễn Minh Chuyền
Anh Chuyền kể, chuyện hiến đất làm đường ở xã có thể nói đã phát triển thành phong trào. Ngay sau khi vận động nhân dân, tất cả cán bộ từ xã đến thôn “đi trước”. Bất kỳ cán bộ xã nào có cây trồng, vật kiến trúc cản trở việc thi công đường lập tức được chính chủ nhà chặt bỏ, phá dỡ. Nêu gương cán bộ cho “làng nước theo sau”, từ một vài người rồi đến hàng trăm người tự nguyện hiến đất, sẵn sàng hy sinh cho các ngả đường.
Theo thông kê, đã có hơn 100 hộ hiến từ 300 – 2.000m2 đất, chủ yếu là đất ở và đất trồng cây công nghiệp lâu năm. Thời điểm hiện tại, mỗi ha cà phê có giá đến nửa tỷ đồng vậy mà không ít hộ đã “hy sinh” hàng nghìn m2 đất cho những con đường. Điển hình như hộ Trần Xuân Lĩnh tự nguyện phá 110 cây cà phê, hiến hơn 2.000m2; hộ Phan Văn Biên phá hơn 120 cây cà phê, điều để hiến gần 1.000m2 đất; hộ Nguyễn Thị Lợi phá gần 100 cây cà phê, hiến hơn 600m2 đất…
Sức mạnh từ lòng dân
Ea Ô hiện có hơn 1 vạn người nhưng là “tập hợp” của 10 dân tộc quy tụ từ khắp mọi miền đất nước, nhưng họ đã chung “một lòng”. Thì đấy, những ngày mới đặt chân đến vùng đất hẻo lánh này, giữa cái thiếu thốn trăm bề, nào ai dám nghĩ có ngày hôm nay. Theo tính toán của xã, hiện tổng sản lượng lương thực quy thóc hàng năm đạt bình quân 1,2 tấn/người/năm, thu nhập trung bình mỗi người đạt 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10,97%, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 25%.
Con đường liên thôn tại thôn 5a này trước đây chỉ rộng chưa đến 2,5m, lầy lội, nhưng nay được mở rộng hơn 10m từ sự hiến đất của người dân. |
Tiên phong về thực hiện cơ giới hóa, áp dụng khoa học vào sản xuất, Ea Ô là một trong những vùng có năng suất lúa nước 2 vụ đạt cao của tỉnh Đăk Lăk; 99% số hộ có điện sinh hoạt, 19/21 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% thôn có sân bóng đá, bóng chuyền; toàn xã có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS với 100% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; 60% diện tích lúa nước và cà phê được bảo đảm nước tưới từ các công trình thủy lợi; trạm y tế đã có bác sĩ và được đầu tư quy mô nhất huyện Ea Kar; trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã được xây dựng khang trang, bề thế... Những thành quả ấy không thể không có sự đồng lòng của nhân dân trong xã.
Đấy chính là nền tảng vững chắc giúp Ea Ô nhanh chóng chạm chuẩn nông thôn mới. Bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Ea Ô có 8 tiêu chí đạt chuẩn, 3 tiêu chí tiệm cận chuẩn và 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó tiêu chí khó khăn, tốn kém nhưng lại hết sức quan trọng đó là vấn đề giao thông.
Chủ tịch UBND xã Ea Ô cho biết: Ngay sau khi “nhận lệnh” làm xã điểm của chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã nhận định cốt lõi của vấn đề vẫn là từ sự đồng thuận của toàn dân. Chính vì thế công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu và thực hiện cực kỳ chu đáo.
Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã cử cán bộ về từng thôn phối hợp với ban tự quản tổ và thôn tổ chức họp dân để phổ biến về nội dung, kế hoạch, đồng thời lắng nghe ý kiến cũng như mong muốn người dân hiến kế để hoạch định những biện pháp thực hiện thiết thực, hiệu quả nhất. Rồi tổ chức ký cam kết đến từng hộ dân.
Sau lễ phát động cấp xã, rồi đến cấp thôn là bắt tay vào thực hiện theo phương châm “miệng nói, tay làm” nên được nhân dân rất tin tưởng, kỳ vọng. Các thôn ngoài việc thành lập ban chỉ đạo cấp thôn, còn thành lập tổ tư vấn xây dựng nông thôn mới gồm những người có uy tín trong cộng đồng để hiến kế cho thôn, cho xã. Những ý kiến của các tổ tư vấn cấp thôn được tập hợp lại và đúc rút thành Đề án xây dựng nông thôn mới của xã.
“Chúng tôi lấy nhân dân làm chủ thể để xây dựng nông thôn mới. Bởi ở đấy có một sức mạnh rất lớn có thể làm được bất kỳ điều gì” - lời Chủ tịch xã Nguyễn Minh Chuyền không còn là nhận định chủ quan mà thực tế, Ea Ô đã được đánh giá là xã thực hiện xây dựng nông thôn mới tốt nhất của tỉnh Đăk Lăk.
Duy Hậu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn