Đã từ lâu, hình ảnh cha quản xứ cùng lãnh đạo địa phương, lãnh đạo huyện đến tận nhà, trực tiếp có mặt ở từng gốc cam, bưởi không còn xa lạ với bà con giáo dân. Không chỉ đến tận nơi động viên, tuyên truyền bà con phát triển kinh tế vườn đồi mà trong những buổi đi lễ tại nhà thờ, cha xứ cũng luôn răn dạy các con chiên phát triển sản xuất, tăng thu nhập, trong đó, chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, phát triển kinh tế trang trại...
Linh mục Phan Đình Trung (người đứng giữa) cùng lãnh đạo huyện Hương Khê thường xuyên đến từng nhà, từng vườn, động viên người dân phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Cường, giáo dân thuộc giáo họ Trại Nại bày tỏ: “Cha thường dạy chúng tôi, một mẫu trạch bằng bách mẫu điền nên các con cố gắng mà chăm sóc, tuyệt đối không nên phá rừng vì phá rừng tức là phá tương lai. Cùng với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền các cấp trong việc giúp đỡ, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng và có chính sách hỗ trợ nên chúng tôi rất phấn khởi, tự tin để phát triển sản xuất”.
Theo Linh mục Phan Đình Trung - Quản xứ Thịnh Lạc: “Thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi của chính quyền huyện, tôi nắm được nhiều chủ trương trong phát triển kinh tế nên thường xuyên cùng với chính quyền các cấp xuống tận hộ gia đình, vận động con chiên phát triển kinh tế vườn đồi, chú trọng xây dựng các vườn mẫu để nhân rộng ra nhiều vườn trong giáo xứ. Tuy có sự hỗ trợ của chính quyền, nhưng người dân cũng phải biết vươn lên xóa đói giảm nghèo bằng chính đôi tay của mình”.
Ý thức được như vậy, nên những năm gần đây, đời sống người dân ở giáo xứ này ngày càng được nâng lên rõ rệt. Ở xã Gia Phố, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng, đến cuối năm 2015 tăng lên 28 triệu đồng. Hộ nghèo theo tiêu chí mới đa chiều ở đồng bào giáo dân đạt dưới 5%, trong khi đó, toàn xã 9,7%. Trong các hộ dân tiêu biểu phát triển kinh tế, xây dựng NTM, đồng bào giáo dân chiếm rất đông, tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Trọng Ký, Bùi Quang Dao (thôn Phố Thượng), ông Lê Hồng Tư (thôn Hải Thịnh), bà Hán Thị Thanh (thôn Trung Hải)… đều có mô hình trồng cây với hàng trăm gốc cam, bưởi và chăn nuôi lợn, gà, bò, hươu.
Theo ông Lê Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Gia Phố: Bà con giáo dân trên địa bàn luôn tích cực lao động sản xuất gắn với thực hiện các tiêu chí NTM. Riêng thôn Hải Thịnh đã đạt khu dân cư kiểu mẫu; thôn Trung Hải và Phố Thượng đang xây dựng, phấn đấu cuối năm 2016 đạt khu dân cư kiểu mẫu. Đây là những thôn có đồng bào giáo dân chiếm hơn 90%. Ngoài ra, bà con cũng tích cực hiến đất xây dựng hệ thống kênh mương; tự nguyện đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn...
Còn với xã Lộc Yên, ông Nguyễn Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Lộc Yên có hơn 5.000 dân, trong đó, 30% là giáo dân. Thời gian qua, bà con giáo dân đã tích cực cùng chính quyền xây dựng NTM, đặc biệt trong xây dựng vườn mẫu, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Chỉ tính 6 tháng đầu năm, toàn xã đã trồng mới hơn 100 ha cam, bưởi, nâng tổng diện tích lên đến 300 ha.
Những kết quả đó đã đóng góp rất lớn vào thành quả chung của toàn huyện. 2 năm gần đây, diện tích cam, bưởi của huyện không ngừng tăng. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã trồng mới trên 600 ha bưởi và cam các loại, nâng diện tích trồng cam, bưởi của huyện lên trên 3.500 ha. Đến nay, toàn huyện có 2.402 mô hình, trong đó, 100 mô hình quy mô lớn, 150 mô hình quy mô vừa, 2.152 mô hình quy mô nhỏ.
Khẳng định sự đổi thay đó, ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Trong quá trình thực hiện các mục tiêu KT-XH, chúng tôi đã có sự kết hợp chặt chẽ với các linh mục. Sự phát triển của huyện những năm gần đây càng thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của toàn người dân nói chung và đặc biệt là sự chung sức của các linh mục, giáo dân”.
Theo: Thu Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn