Thông qua bưu điện văn hóa xã, người dân được đọc sách, báo miễn phí, tiếp cận với tri thức, nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do Khoa học công nghệ phát triển kéo theo sự phát triển của công nghệ và các dịch vụ viễn thông. Điện thoại cố định và di động được ngày càng được nhiều người sử dụng với nhiều tiện ích tích hợp như truy cập internet qua di động, gửi thư từ điện tử nên nhu cầu về các dịch vụ tại điểm bưu điện văn hóa xã giảm đáng kể. Sách báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã chỉ đáp ứng được cho lượng độc giả là học sinh, hưu trí... lại đang ngày càng cũ nát do không được đầu tư, nâng cấp thường xuyên. Đặc biệt là từ sau năm 2008, bưu chính và viễn thông chia tách, điểm bưu điện văn hóa xã do bưu chính quản lý. So với giai đoạn đầu khi điểm bưu điện văn hóa xã là kênh để người dân sử dụng dịch vụ viễn thông thì nay vai trò của mô hình này phần nào đang bị lu mờ dần. Hiện tại, phần lớn các điểm bưu điện văn hóa xã trên toàn quốc đang trong tình trạng hoạt động cầm cự, người dân đến thưa thớt và cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. 

 

Với 234 điểm bưu điện văn hóa xã, chiếm tới 85% số điểm phục vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh, Bưu điện Hà Tĩnh đang từng bước vận hành và khai thác hiệu quả các điểm bưu điện văn hóa xã từ việc triển khai mô hình kinh doanh mới. Đầu năm 2014, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát động chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm bưu điện văn hóa xã trên phạm vi toàn quốc. Ngay sau đó, Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 185/234 điểm bưu điện văn hóa xã, rà soát và đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh, phục vụ cho 100% nhân viên bưu điện văn hóa xã; thành lập đội ngũ chuyên quản để triển khai các kịch bản kinh doanh xuống xã, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nhân viên; tận dụng các đợt chi trả lương hưu, các chương trình hội nghị khách hàng để tổ chức các đợt ra quân bán hàng ngay tại điểm bưu điện văn hóa xã. 

Kết quả đạt được khá tốt với tổng doanh thu phát sinh trên hệ thống bưu điện văn hóa xã của toàn tỉnh đạt bình quân 1,8 tỷ đồng/tháng; doanh thu phát sinh bình quân đạt 8 triệu đồng/điểm/tháng, đứng thứ 6 toàn quốc. Thu nhập của nhân viên tại các điểm bưu điện văn hóa xã cũng được cải thiện đáng kể, bình quân 1,4 triệu đồng/người/tháng. 

Chưa dừng lại ở đó, với mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh doanh tại địa bàn nông thôn, từ tháng 10/2015, Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng và thử nghiệm triển khai phương án kinh doanh theo mô hình điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, trong đó đưa mặt hàng tiêu dùng vào kinh doanh tại 14 xã trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm các xã: Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên), Kỳ Phương, Kỳ Trung (Kỳ Anh), Đức Lạc (Đức Thọ), Hà Linh, Hương Bình (Hương Khê), Thạch Văn, Phù Việt (Thạch Hà), Cương Gián (Nghi Xuân), Khánh Lộc, Thiên Lộc (Can Lộc), Sơn Bằng (Hương Sơn), Ích Hậu, Thạch Kim (Lộc Hà). 14 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ này nằm trong Đề án đa dịch vụ bưu điện văn hóa xã của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020 do UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt từ tháng 7/2015. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ gia dụng có chất lượng cao được sản xuất tại Việt Nam và chỉ được phân phối qua hệ thống bưu điện, qua đó giúp người dân luôn đồng hành với chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Đến điểm bưu điện văn hóa xã Việt Xuyên (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chúng tôi được chứng kiến nhiều sự đổi mới về cơ sở vật chất và cảnh nhộn nhịp mua bán, giao dịch. Với hơn 30 loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: bột giặt, nước xả vải, nước lau sàn, lịch... Chị Vương Thị Sen, một người dân xã Việt Xuyên cho biết: Hàng hóa ở đây chất lượng rất tốt, giá lại phải chăng nên phù hợp với những người dân quê như chúng tôi. Thay vì mua sắm những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ mà lại đắt đỏ, chúng tôi chọn mua hàng của bưu điện rất yên tâm. 

Khai trương Bưu điện văn hóa đa dịch vụ tại điểm
Bưu điện Văn hóa xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Ảnh Ngô Thắng

Bên cạnh việc kinh doanh mặt hàng tiêu dùng, tại 14 điểm triển khai bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ còn đưa vào kinh doanh nhiều dịch vụ mới như: chuyển phát hành chính công (hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, chứng minh thư nhân dân), chuyển tiền, thu cước điện thoại, truy cập Internet, chi trả lương hưu. Đây là cách làm phù hợp với nhu cầu thực tế khi kinh tế nông thôn ngày càng phát triển. Ông Lê Văn Tấu, một cán bộ hưu trí xã Thạch Văn ( huyện Thạch Hà) hài lòng: Từ tháng 7 đến nay, tôi nhận chi trả lương hưu ở bưu điện văn hóa xã, vừa nhanh chóng lại chính xác. 

BĐVHX đa dịch vụ cung cấp đa dạng dịch vụ từ hàng tiêu dùng đến các dịch vụ hành chính công khác… Ảnh Ngô Thắng

Sau một tháng thí điểm mô hình, tại các điểm bưu điện văn hóa xã của huyện Cẩm Xuyên, tổng doanh số phát sinh các điểm này đã tăng từ 163 triệu lên 363 triệu/tháng. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, sau khi triển khai thí điểm từ tháng 7/2015, doanh số phát sinh từ 1,8 tỷ nâng lên trên 3 tỷ đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên bưu điện xã Phù Việt (Thạch Hà) chia sẻ: Từ khi ngành bưu điện đưa vào kinh doanh nhiều dịch vụ tiện ích, người dân đến với bưu điện nhiều hơn. Nhờ vậy mà doanh thu tăng lên, lương của chúng tôi cũng được cải thiện. 

Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Long Giang cho biết: Trước khi triển khai đa dịch vụ, doanh thu của các điểm bưu điện văn hóa xã thường ở mức 3 - 5 triệu đồng/tháng. Từ khi triển khai, doanh thu tăng lên ở mức 10 - 15 triệu đồng/tháng, có xã đạt trên 17 triệu đồng/tháng. Nhận thấy hiệu quả mà mô hình thí điểm này mang lại, chúng tôi dự kiến trong năm 2016 sẽ nhân rộng mô hình ở 50% bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh. Và đến năm 2020, toàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ triển khai 234/234 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ./. 

 

Theo Hoàng Ngà/TTXVN
http://dangcongsan.vn/chung-suc-xay-dung-nong-thon-moi/nhan-to-moi/ha-tinh-doi-moi-de-buu-dien-van-hoa-xa-van-la-diem-sang-o-nong-thon-vung-sau-vung-xa-365283.html