Dưới sự phân công của chi bộ, các chi hội thôn Chi Lưu (xã Thạch Kênh) tổ chức ra quân chỉnh trang nhà văn hóa, làm mương thoát nước.
Bất ổn một thời
Trong những cuộc đàm đạo thân tình, tôi đã nghe nhiều cán bộ lãnh đạo huyện Thạch Hà trước đây kể những “kỷ niệm” khó quên về chỉ đạo Thạch Kênh giải quyết các vướng mắc, tồn đọng kéo dài. Gặp bên lề hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), ông Nguyễn Lương Lĩnh - Phó Chủ tịch HĐND huyện (từng nhiều năm làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Hà) kể gấp gáp như sợ thời gian làm hao hụt thông tin.
“Không nói hết về Thạch Kênh trước đây. Nhiều chuyện lùm xùm, có việc “cười ra nước mắt”. Khoảng những năm 2005-2007, rồi 2011-2012, nội bộ xã thiếu thống nhất, công tác quản lý buông lỏng, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức xã sa sút. Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010, Thạch Kênh bầu thiếu số lượng BCH đảng bộ. Tiếp đó, bầu cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016, cử tri xã lại bầu thiếu số lượng”.
Huyện cũng đã trải qua nhiều “cơn đau đầu” vì đơn thư vượt cấp của công dân Thạch Kênh liên quan đến đất đai, quản lý ngân sách, công tác cán bộ. Riêng nhiệm kỳ 2010-2015, Thạch Kênh đã “thay” đến… 4 chủ tịch UBND xã.
Bước ngoặt từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kênh Nguyễn Văn Luận khẳng định: “Bước ngoặt của sự thay đổi là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Khi đó, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, dưới sự chỉ đạo của BTV Huyện ủy, BCH Đảng bộ xã đã quyết tâm chấn chỉnh, không ngần ngại nêu khuyết điểm, tồn tại của tập thể, cá nhân để khắc phục, sửa chữa. Hội nghị kiểm điểm diễn ra 2 ngày, có lúc khá căng thẳng nhưng rồi mọi thứ êm xuôi. Cũng tinh thần đó, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, không che giấu khuyết điểm. Vì thế, tính chiến đấu của đảng bộ, chi bộ được làm rõ, từ đó, tạo tâm lý thoải mái và tinh thần hăng hái công tác trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và người dân”.
“Từ những chuyển biến tích cực, tại Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Hà nhiệm kỳ 2015-2020, Thạch Kênh được “đặt hàng” tham luận về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Hơn 10 năm rồi, Thạch Kênh mới được cơ cấu đại biểu HĐND huyện” - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi.
Trong lúc trò chuyện, cô nhân viên Văn phòng Đảng ủy và công chức địa chính - NTM còn hướng sang tôi: “Thạch Kênh nhà em còn được huyện khen về sáp nhập thôn, từ 13 xóm giờ còn 5 thôn, rút giảm nhiều nguồn lực đầu tư anh ạ! Có thôn trước đây không bầu được cán bộ, nay trưởng thôn đều là đảng viên, hạt nhân tiêu biểu. Đó là kiện toàn cán bộ đúng không anh?!”.
Nhà văn hóa xã là một trong những công trình được xã Thạch Kênh huy động nguồn từ ngoại lực.
Khi người dân đồng thuận
Về Thạch Kênh, tôi được “bật mí”, tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, xã xác định về đích NTM năm 2019. Tuy nhiên, với khí thế mới của người dân và từ những tiền đề đã có, cuối năm 2015, đảng bộ hạ quyết tâm cán đích NTM năm 2016. Phó Bí thư Đảng ủy xã Từ Dương Quyền tự hào: “Điểm mạnh của chúng tôi là khơi dậy được sức mạnh của chi bộ, các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, vì thế, người dân đồng tình rất cao. Để xây dựng NTM, có những hộ tự nguyện đóng 10-12 triệu đồng như bà Nguyễn Thị Hồng Khoản, Nguyễn Sỹ Bàng ở thôn Chi Lưu. Từ chỗ canh nông đơn giản, nay xã đã có 43 mô hình kinh tế, bê tông phủ kín các đường làng, đường ra đồng rộng rãi, kênh mương bê tông dẫn nước tới chân ruộng”.
Trao viên gạch cho các cựu chiến binh hoàn thiện tường rào nhà văn hóa, Bí thư Chi bộ thôn Chi Lưu - Nguyễn Sỹ Yến niềm nở: “Chi bộ có 39 đảng viên, thôn có 294 hộ. Người dân rất phấn khởi vì xây dựng NTM là làm cho mình, cho làng đẹp, xóm vui. Mọi việc, chi bộ đều bàn bạc trước rồi đưa ra người dân thảo luận, dân chủ. Ngay như chỉnh trang nhà văn hóa, làm mái che hơn 30 triệu đồng còn thành lập ban kinh tế, thủ quỹ, kế toán… Việc thi công, chi bộ giao cựu chiến binh xây mương, tường rào, nông dân vá dắm tường nhà, phụ nữ san các mặt sân”.
Rồi ông chỉ tay: “Đó, khuôn viên hội quán từ chỗ 1.400 m2 nay đã lên 2.400 m2, mặt bằng được nâng lên trên 80 cm. Chúng tôi còn làm 3 tuyến mương thoát nước hơn 1.000m”.
Từ nỗ lực của người dân, con em xa quê và nhiều tổ chức đã cùng chung lưng gánh vác với các công trình tiền tỷ như trạm y tế trị giá 4,5 tỷ đồng, nhà văn hóa xã 320 chỗ ngồi trị giá 3,6 tỷ đồng, đình Thượng Nguyên gần 4 tỷ đồng…
Thạch Kênh - chuyện tôi kể trên, có lẽ là… “cá biệt”. Ấy vậy mà, sẽ chẳng cá biệt nếu nhìn xa hơn, rộng hơn, đặt trong nguyên lý phổ biến. Ấy là khi, sức mạnh chiến đấu trong Đảng được phát huy, nội bộ thống nhất, đoàn kết, cán bộ tiên phong, khi đó, sức dân sẽ được giải phóng. Mà sức dân chính là nước, có thể đẩy thuyền.
Theo Mạnh Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn