|
Kiểm tra, quản lý hộ khẩu, nắm bắt tình hình bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đinh Hữu Hạnh: Công tác hòa giải, tiếp dân, giải quyết KNTC có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương nên nhiều năm qua huyện Đan Phượng đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư. Những vụ việc ở cơ sở đều được chính quyền các xã, thị trấn giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp với người dân. Quan điểm của huyện là "đặt mình vào vị trí của người dân trong giải quyết đơn, thư KNTC" nên việc trao đổi, vận động được thực hiện kiên trì cho đến khi người dân đồng thuận. Chủ tịch UBND huyện Đinh Hữu Hạnh cho biết, chính từ các buổi đối thoại trực tiếp này đã giúp huyện nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải đáp những khúc mắc để người dân hiểu và đồng tình với chính quyền. Chánh Thanh tra huyện Đan Phượng Bùi Kiên Cường nhẩm đếm, có những trường hợp, huyện, xã phải tổ chức tới 22 cuộc đối thoại với người dân mới đi đến thành công như giải quyết các kiến nghị của một số hộ gia đình ở xã Tân Lập về đền bù GPMB. Đây chính là giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác hóa giải các mâu thuẫn ở cơ sở, tránh đơn, thư KNTC vượt cấp, giải quyết tận gốc mầm mống của "điểm nóng" về an ninh trật tự ở nông thôn. Chính nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay huyện đã GPMB được 151 dự án với diện tích hơn 300ha của gần 5.700 hộ dân nhưng Đan Phượng không phải tổ chức cưỡng chế, không có đơn, thư KNTC vượt cấp.
Để công tác giải quyết KNTC đi vào nền nếp, huyện tăng cường công tác thanh tra ở các xã, thị trấn. Theo ông Bùi Kiên Cường, đây chính là giải pháp tích cực trong việc củng cố hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở, đồng thời sớm phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Để phản ánh đúng tình hình cơ sở, Thanh tra huyện đã phân công thanh tra viên phụ trách theo vùng để nắm bắt tình hình giải quyết KNTC trong khu vực, kịp thời báo cáo UBND huyện tại các cuộc giao ban hàng tháng, quý. Qua đó, lãnh đạo huyện trực tiếp cho ý kiến giải quyết những vướng mắc phát sinh và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giải quyết KNTC ở cơ sở. Vì vậy, mấy năm gần đây, công tác giải quyết KNTC, quản lý đất đai, GPMB ở các xã, thị trấn đã đi vào nền nếp, tình trạng vi phạm về đất đai trên địa bàn huyện giảm đáng kể.
Hiện nay, huyện Đan Phượng có 782 tổ hòa giải gắn với tổ tự quản hoạt động khá tốt. Ngoài ra, huyện còn củng cố 123 nhóm tự quản nòng cốt bố trí theo thôn, cụm dân cư và thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật để không chỉ làm tốt công tác hòa giải, vận động người dân mà còn trực tiếp tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Theo Chủ tịch MTTQ huyện Đan Phượng, 6 tháng đầu năm 2012, nhờ làm tốt công tác hòa giải mà 94% vụ việc có liên quan tới đất đai ở Đan Phượng đã được giải quyết thấu đáo. Thượng Mỗ là xã có phong trào tự quản và thực hiện công tác hòa giải khá tốt. Với hơn 20 tổ tự quản thường xuyên nắm bắt mâu thuẫn trong nhân dân, xã đã hòa giải thành công 23/30 vụ việc thuộc thẩm quyền, 7 vụ việc còn lại chuyển Tòa án nhân dân huyện giải quyết theo quy định.
Để nâng cao chất lượng tiếp dân, giải quyết KNTC, huyện Đan Phượng còn không ngừng củng cố, nâng cao năng lực và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách. Từ tháng 10-2011, huyện đã thành lập tổ tiếp công dân chuyên nghiệp với những cán bộ có chuyên môn sâu ở các phòng, ban để vừa tiếp nhận đơn, thư vừa trực tiếp giải thích những thắc mắc của người dân. Ngoài ra còn có 1 tổ công tác chuyên giải quyết đơn thư KNTC và điểm nóng do lãnh đạo huyện trực tiếp tham gia vừa được thành lập tháng 7-2012 giúp các địa phương giải quyết những vụ việc phức tạp như việc kiến nghị của 21 hộ dân xã Tân Hội về công tác GPMB, hoặc giải quyết kiến nghị của các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện Khu đô thị Tân Lập...
Dù vậy nhưng lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất trong công tác giải quyết KNTC ở cơ sở là đội ngũ cán bộ của các xã năng lực chưa đồng đều, cán bộ địa chính của một số xã còn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm làm tốt công tác hóa giải mâu thuẫn, giải quyết tốt KNTC trên địa bàn. Từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị địa phương để tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới thành công.