Sau 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cách làm bài bản, sáng tạo, Hà Tĩnh đã đạt được kết quả toàn diện, vững chắc, có nhiều mô hình tốt, cách làm hay trở thành mẫu hình được nhân ra diện rộng, tạo ra một miền quê Trù phú - An lành. Một số sáng tạo trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đã được Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương ghi nhận cần nhân rộng trên toàn quốc.
Về Hà Tĩnh hôm nay, nông thôn mới hiện hữu, đâu đâu cũng thấy người dân hăng say thi đua sản xuất. Có những người bao nhiều năm chật vật mưu sinh bằng đủ nghề rồi lại tìm ra “tiềm năng” trên chính mảnh đất quê hương mình. Những mô hình do người dân làm thực sự làm chủ ngày càng nhiều như: Mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao ông Ngô Xuân Linh (Sơn Mai, Hương Sơn), năm 2004, vợ chồng anh nhận gần 11 ha đất đồi hoang để đầu tư sản xuất. Đến nay, trang trại của anh chị đã được mở rộng lên 20 ha, với gần 10 ngàn gốc cam các loại, đã có 7 ha cho thu hoạch và tiếp tục năm sau sẽ có thêm 5 ha cho quả. Giờ đây trang trại của anh là mô hình cam chất lượng cao điển hình tiêu biểu của cả tỉnh với đặc sản cam bù nổi tiếng.
Từ vùng đất cát hoang hóa bạc màu ven biển thuộc các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã ứng dụngtiến bộ khoa học kỹ thuật mới của các nước tiến tiến vào sản xuất, từ đó tạo thành vùng sản xuất rau củ quả chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Với gần 100ha đất cát bạc màu tại xã Thạch Văn 3 năm nay quanh năm xanh mướt cây trái; bình quân mỗi ngày dự án cung ứng khoảng 5 tấn rau củ quả các loại ra thị trường. Thời điểm chính vụ (tháng 9 đến tháng 2 dương lịch năm sau) có khoảng 20 - 25 loại sản phẩm chính được thu hoạch; trái vụ (tháng 3 - 8) có 15 - 20 sản phẩm được thu hoạch. Hiện nay, hai nhóm sản phẩm đang được phát triển tại Thạch Văn là rau an toàn như bí hồ lô, mướp đắng, mướp ngọt, dưa chuột, cà chua, bí xanh, ớt, cà rốt, măng tây... và nhóm cây ăn quả gồm ổi, dưa hấu, dưa lê, thanh long, xoài, táo, mít... Ngoài ra còn có nhiều mô hình về trồng rau, củ quả trên cát hoang hóa ven biển ở xã Cẩm Hòa - huyện Cẩm Xuyên; mô hình trồng rau, củ quả trên các bãi bồi ven sông tại xã Đức La - huyện Đức Thọ…
Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn 4 xã Cổ Đạm (Nghi Xuân)
Mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết 300 con lợn nái, 500 con lợn thịt, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, lợi nhuận hàng tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Xoan ở xã Ân Phú (Vũ Quang); mô hình chăn nuôi lợn quy mô 4.700 con/lứa của ông Trần Nghệ Tịnh ở xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên), trung bình mỗi năm Công ty của gia đình ông xuất chuồng 3 lứa lợn thương phẩm gần 18 nghìn con, ông Bùi Vĩnh Dũng ở xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên); Mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 300 con của bà Nguyễn Thị Thu Hương, xã Sơn Diệm, ông Lê Xuân Bính, xã Sơn Long (Hương Sơn); mô hình chăn nuôi lợn nái của HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Thu Hằng tại xã Kỳ Phong, (Kỳ Anh); mô hình chăn nuôi bò sữa xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ,..
Mô hình chăn nuôi quy mô 300 con lợn nái của anh Nguyễn Văn Xoan xã Ân Phú (Vũ Quang)
Cùng với việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh còn sáng tạo thêm tiêu chí thứ 20: Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Tiêu chí này đã tạo nên dấu ấn trên vùng đất được mệnh danh “chảo lửa, túi mưa” này. Sau gần 3 năm xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có trên 1.000 KDCNTKM được triển khai xây dựng tạo diện mạo mới về một môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp, gắn với phát triển kinh tế vườn hộ.
Sau gần 3 năm được tỉnh chọn để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê) đã có bước chuyển đổi rõ rệt. 100% hộ gia đình đã sắp xếp, chỉnh trang lại nhà cửa, trồng mới hàng rào xanh, di dời các công trình chuồng trại chăn nuôi và thực hiện tốt việc xử lý môi trường. Ngoài việc xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu từ mô hình vườn mẫu đến nay toàn thôn đã nhân rộng được hơn 50 hộ dân, hiệu quả kinh tế vườn tăng lên nhiều lần so với phương thức canh tác truyền thống trước đây. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hàng rào xanh phủ bóng râm mát, nhà cửa khang trang, sạch sẽ.Không chỉ có sự chuyển biến trong chỉnh trang vườn hộ mà các hộ trong thôn đã trồng trên 15 ngàn m hàng rào xanh với các loại cây như: Chè mạn hảo tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; Khu dân cư NTM kiểu mẫu và trở thành địa chỉ tham quan học tập cho nhiều đoàn trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Cùng với thôn Nam Trà đến nay đã có nhiều địa phương xây dựng thành công Khu dân cư NTM kiểu mẫu như: Tthôn Thành Tiến, xã Xuân Thành, thôn 7, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân); thôn Tân An xã Cẩm Bình, thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên); thôn Châu Trinh, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ); thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn Thạch Hà; thôn 4, xã Ân Phú (Vũ Quang)…
Một góc Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên)
Với quan điểm chỉ đạo nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn, từ xây dựng mô hình vườn mẫu thí điểm ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có trên 2.000 vườn mẫu được xây dựng, cho thu nhập trung bình từ 50 đến 120 triệu đồng/vườn/năm. Xây dựng vườn mẫu đã làm thay đổi được tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi. Đặc biệt, phong trào xây dựng vườn mẫu lan tỏa từng bước chuyển biến sâu sắc nhận thức, ý thức của người dân trong việc chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình vườn mẫu trở thành các điển hình nhân rộng như: Mô hình vườn mẫu hộ ông Dương Kim Hoàng, thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà), hộ ông Nguyễn Văn Trung, thôn Tân An, xã Cẩm Bình, hộ ông Đinh Viết Huỳnh, thôn Bình Thọ, xã Cẩm Yên, (Cẩm Xuyên); ông Trần Ngọc Lương, thôn Quang Thành, xã Đức Lĩnh, (Vũ Quang); hộ bà Phan Thị Nhiên, thôn Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê); hộ ông Trịnh Quang Hùng, thôn Quyết Thắng, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn); hộ bà Võ Thị Hiền, thôn Bình Minh, xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh);...
Cùng với thực hiện các mô hình sản xuất, xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu Hà Tĩnh còn chỉ đạo xây dựng mẫu theo tiêu chí, nhiều mô hình đã được triển khai nhân rộng, trở thành điểm tham quan học tập như: Mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện tại các Trường tiểu học của xã Kỳ Xuân, (Kỳ Anh), xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), xã Thạch Đài (Thạch Hà); Mô hình Công đoàn xã xây dựng mối liên kết Công - Nông trong xây dựng NTM tại xã Thạch Văn (Thạch Hà); mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân xã: Kỳ Khang (Kỳ Anh), xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), xã Cương Gián (Nghi Xuân), xã Thiên Lộc (Can Lộc); xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh)…
Mô hình du lịch NTM chiêm ngưỡng - trải nghiệm: Du khách tham gia vào chuỗi thử nghiệm mô hình du lịch
làng xã bằng trải nghiệm làm “người nông dân xưa và nay” với các hoạt động ngoài trời như nơm cá…
Những kết quả qua 6 năm về xây dựng NTM ở Hà Tĩnh, đời sống vật chất tinh thần của người dân Hà Tĩnh đã có sự thay đổi rõ nét, xóa được đói, giảm được nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ chỗ 37-38%, nay chỉ còn 5,6% theo tiêu chí cũ. Qua xây dựng NTM, người nông dân đã thay đổi cơ bản tư duy, biết tổ chức sản xuất, biết kinh doanh và biết tự giải phóng mình, đi lên bằng sức lao động, bằng tài nguyên của chính từng làng, từng xã, từng địa phương. Kết quả sau 6 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM số lượng mô hình tốt, cách làm hay nhanh chóng tăng lên, tạo nên bước đột phá lớn với 11.965 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực, có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Các mô hình được duy trì bền vững, phù hợp với nguyện vọng người dân, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Hiệu quả của hơn các mô hình sản xuất kinh doanh từ miền núi đến đồng bằng, xuống vùng biển đã được khẳng định, phá vỡ tư duy ”manh mún, nhỏ lẻ” nhiều đời nay của người nông dân Hà Tĩnh, đây là những "mô hình NTM của lòng dân”./.
Bài, ảnh: Ngô Thắng