Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung làm rõ việc ban hành chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) đã đủ mạnh, đồng bộ chưa? ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) trả lời, bên cạnh các nghị quyết của Đảng, QH, riêng Chính phủ đã ban hành 237 văn bản.
“Với một “rừng” văn bản, chính sách như vậy, sự trùng lặp, không đồng nhất dễ xảy ra, gây khó khăn cho công tác thực hiện”, ông Thành nói.
ĐB Nguyễn Quốc Cường cho rằng, trong khi nguồn lực nhà nước có hạn, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ bên ngoài cho tam nông vừa thiếu, vừa chậm được ban hành.
Những chính sách đã có phát huy tác dụng thấp. “Giữa quan điểm, chủ trương và thực tế còn khoảng cách. Có hơn 200 loại văn bản khác nhau nên cấp huyện, xã rất khó tiếp thu, dẫn đến chồng chéo, cái cần không có, cái có khó thực hiện”, ông Cường nói.
Nông dân mòn mỏi chờ đợi
ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nói, không ít chính sách, văn bản mang tính hình thức, chưa sát với thực tế, triển khai thiếu đồng bộ nên rất ít tác dụng.
Chính sách hỗ trợ vay vốn đưa cơ giới vào đồng ruộng là tốt nhưng chưa đúng lúc và chưa phù hợp thực tế.
Nhiều vùng đồng ruộng chưa được cải tạo cơ bản hoặc đã được cải tạo nhưng lại bị băm nhỏ để chia đều nên chỉ có thể sử dụng máy móc nông cụ nhỏ. Việc sử dụng máy móc hiện đại rất hạn chế.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bổ sung, chủ trương đầu tư xây dựng trạm bơm điện cho khu vực ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009.
Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp để tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Người nông dân trong khu vực phấn khởi mong chờ được hưởng thụ kết quả đầu tư từ dự án nhưng đến nay bóng dáng trạm bơm vẫn còn quá vắng vẻ.
“Người nông dân mòn mỏi chờ đợi. Vậy nguyên nhân vướng mắc ở đâu? Các ngành chức năng phải giải trình cho nông dân khu vực ĐBSCL rõ”, bà Bé kiến nghị. Hay như chủ trương xây dựng kho dự trữ lúa, gạo cho vùng ĐBSCL hầu như vẫn còn trên giấy. Sự chậm trễ kéo dài khiến tư thương làm giá và mua lúa của nông dân rất thấp, nhất là thời điểm đầu vụ mùa.
Nặng tâm lý ban phát
Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) bày tỏ, việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia năm nào cũng chậm, không khắc phục được.
Nguyên nhân chính là cơ chế xin - cho, tâm lý ban phát còn nặng, thủ tục hành chính rườm rà, cứng nhắc. Kinh phí tới chậm nên cuối năm thi công vội vàng, chất lượng kém là khó tránh khỏi.
“Có công trình chưa thật phù hợp, thiết kế không phù hợp nhưng rất khó thay đổi vì thời gian không còn, dẫn đến lãng phí. Đơn vị thụ hưởng đành phải chấp nhận bởi có còn hơn không”, ông Hùng nói.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, phải đầu tư cho công tác quy hoạch bởi hiện nay rất bất hợp lý.
Bà Minh đề xuất, làm rõ có lợi ích nhóm trong phân bổ đầu tư không? Ngoài ra, phải quy trách nhiệm các bộ, ngành trong việc thực hiện đề án.
Ví như, đề án dạy nghề cho nông dân, phải gắn với giải quyết việc làm nếu không sẽ lãng phí.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, công tác đào tạo nghề cho nông dân cần rà soát lại. Hiện đánh giá 70% người học tìm được việc làm là hơi lạc quan.
Ví như, 1 xã đào tạo 50 người sửa chữa xe máy thì hành nghề ở đâu? Theo ông Phương, chính sách xóa đói giảm nghèo đang khiến người dân ỷ lại, mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo.
ĐB Ngô Thị Minh cho rằng, chính sách với người nghèo phải có điều kiện, như hiện nay người không chấp hành pháp luật, không chịu làm ăn vẫn được hưởng chính sách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nói: trong ban hành chính sách, cần chống tư tưởng ỷ lại. Hiện nay, việc bình xét hộ nghèo ở cơ sở còn nể nang, người lười lao động cũng được hưởng chính sách.
Tuy nhiên, theo ĐB Bùi Mạnh Hùng, chuẩn nghèo xác định hiện nay chưa đúng, mới chỉ đáp ứng được 48% thực tế. Do đó, tình trạng xóa nghèo không bền vững là phổ biến, tái nghèo rất cao.
“Có tình trạng người dân còn nghèo nhưng bắt buộc phải thoát nghèo. Địa phương không muốn công nhận mình thoát nghèo. Người nông dân rất thực tế, họ không cần những thành tích ảo”, ông Hùng nói.
Kiến nghị mở rộng hạn điền Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai đã ảnh hưởng quá trình tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Quy định liên quan công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập trong việc giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất; giữa quyền của Nhà nước (đại diện sở hữu toàn dân về đất đai) khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và quyền của người dân; sự khác nhau giữa mức đền bù của các dự án, do giá đất khác nhau giữa các địa phương liền kề; chính sách, giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất luôn thay đổi... là những vướng mắc chưa được tập trung xử lý có kết quả. Về thời hạn sử dụng đất, đến nay một số loại đất đã gần hết thời hạn nhưng Nhà nước chưa có chủ trương, quyết định cụ thể nên nông dân không yên tâm mạnh dạn đầu tư. Trong thảo luận, nhiều đại biểu QH đề nghị mở rộng hạn điền và thời gian sử dụng đất để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lớn, phát triển nông nghiệp hàng hóa. Khi đền bù, giải phóng mặt bằng cần đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Công tác thanh tra bị buông lỏng Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), công tác thanh tra, kiểm tra đầu tư công có biểu hiện buông lỏng, phải chăng có tâm lý vốn là của cho, được nhận nên ít coi trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, báo cáo của Chính phủ và đoàn giám sát chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai: Bộ, ngành hay địa phương. ĐB Đồng Hữu Mão (Thừa Thiên - Huế) kiến nghị, quy định rõ trách nhiệm của người quản lý vốn đầu tư. Có cơ chế xác định trách nhiệm của BQL dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công. Không thể công trình kém hiệu quả, không đưa vào sử dụng mà không ai chịu trách nhiệm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn