11:43 EST Thứ ba, 24/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X)

Thứ ba - 10/09/2013 21:01
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Lê Đình Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Quan điểm phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ chặt chẽ với công nghiệp được Đảng ta chính thức đưa vào văn kiện Đại hội lần thứ III. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, chủ trương coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được Đảng ta đề cập đầy đủ. Với sự ra đời của Chỉ thị 100 (năm 1981) về chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986) với 3 chương trình kinh tế lớn và Nghị quyết 10 (năm 1988) đã tạo bước đột phá quan trọng để nông nghiệp nước ta chuyển dần sang cơ chế mới, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 1989.

Kể từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng, tình hình đất nước có nhiều thay đổi to lớn, cho phép nước ta bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã chủ trương giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đặc biệt, với sự ra đời của Nghị quyết 26 -NQ/TW (khóa X), lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng ta đề cập một cách đầy đủ, toàn diện nhất. 

Nhận thức rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xuất phát từ thực tiễn của một tỉnh nông nghiệp, ngày 19/5/2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08 -NQ/TU. Các nghị quyết ra đời nhanh chóng vào thực tiễn cuộc sống; cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân tích cực vào cuộc; nhân dân xác định rõ vai trò chủ thể của mình, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, thống nhất, tích cực tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 -NQ/TW và Nghị quyết 08 -NQ/TU, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh đã có bước phát triển khá toàn diện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nền nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Công tác quy hoạch từng bước được hoàn thiện. Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 12,5%, trong đó thủy sản có tốc độ tăng cao nhất (28,4%). Trên các địa bàn đã hình thành hơn 600 mô hình sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực có quy mô khá và nhiều mô hình quy mô lớn, doanh thu hàng năm hàng chục tỷ đồng và lợi nhuận hàng tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp, gắn theo chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đã phát huy hiệu quả. Cơ cấu kinh tế trong ngành và cơ cấu cây trồng, mùa vụ chuyển dịch theo hướng tích cực; bộ giống được bố trí phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Các loại cây công nghiệp như cao su, gỗ nguyên liệu, cây ăn quả, rau màu các loại được tập trung phát triển. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất được áp dụng khá phổ biến. 

Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2012 đạt 42%, tăng 9,4% so với năm 2008. Đàn gia súc, gia cầm phát triển nhanh, chất lượng từng bước được nâng lên. Xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hươu, trâu, bò, đặc biệt là chăn nuôi lợn quy mô tập trung, theo hình thức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác thú y, phòng chống dịch bệnh, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm được chú trọng; các cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm được xây dựng, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Công tác quản lý, bảo vệ, trồng mới, cải tạo rừng được chú trọng. Tích cực triển khai thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ dân để phát triển sản xuất theo hướng “lâm nghiệp xã hội”. Kịp thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. 
Kinh tế biển, thủy sản được quan tâm đầu tư; phát triển mạnh nuôi trồng các loại thủy hải sản, nhất là nuôi tôm công nghệ cao trên cát; hình thành và nâng cấp các đội tàu đánh bắt xa bờ tại các huyện ven biển; kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá có bước phát triển nhanh. 

 
Đ/c Bí thư Tỉnh ủy  kiểm tra mô hình lúa chất lượng cao tại xã Kim Lộc - Can Lộc 
Ảnh PV





Đ/c Chủ Tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác quy hoạch xây dựng NTM tại Nghi Xuân
                                                                                                                        (Ảnh PV)




Làng hoa Tùng Ảnh, Đức Thọ (ảnh Minh Chiến)
 
Diện mạo nông thôn mới Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc. Đến cuối tháng 6/2013, xã Tùng Ảnh cơ bản đạt 19 tiêu chí; 13 xã đạt từ 14 -18 tiêu chí; 64 xã đạt từ 9 -13 tiêu chí; 136 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí; còn 21 xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 48 xã so với 3 năm trước). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường. Toàn tỉnh đã cứng hóa 2.318 km, nâng cấp 1.632 km đường cấp phối, nâng tỷ lệ đường GTNT được nhựa và bê tông hóa lên 53,4%; nâng cấp sửa chữa 72 công trình thủy lợi, tăng dung tích hồ chứa thêm 45 triệu m3, kiên cố 470 km kênh mương; nâng cấp 154km/318km đê sông, đê biển; xây dựng thành công thí điểm 100 nhà chòi phòng tránh lũ; 86,43% trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà trẻ và 96,77% trường THCS đã được kiên cố; 100% xã có nhà văn hóa và khu thể thao, 26,5% thôn có nhà văn hóa và 41,7% thôn có khu thể thao đạt chuẩn.

Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá; nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, phát triển; một số cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp mới được hình thành. Hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được đổi mới, từng bước thích ứng với nền nông nghiệp hàng hóa. Kinh tế hộ gia đình phát huy tốt vai trò, xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình. Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã phát triển khá đồng đều. Toàn tỉnh có 337 HTX nông nghiệp (tăng 42% so với năm 2008); 141 trang trại theo tiêu chuẩn mới khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; nhiều mô hình đang được nhân ra diện rộng. 

Hệ thống chính trị ở nông thôn từng bước được hoàn thiện, củng cố, nâng cao chất lượng. Quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của người dân được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn được bảo đảm. 98,47% số xã, phường đạt tiêu chuẩn ổn định chính trị; 98,55% đơn vị đạt tiêu chuẩn an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Công tác bảo vệ môi trường sinh thái được quan tâm chỉ đạo. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, các giá trị bản sắc văn hóa vùng nông thôn được giữ gìn, phát huy.



Trên con đường mới (ảnh Hương Thành)
 
Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân nói riêng, dân cư vùng nông thôn nói chung từng bước được cải thiện và nâng cao. Người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa. Công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng. Lao động nông nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu những năm gần đây tăng khá. Trình độ dân trí, nhận thức của nông dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 ở khu vực nông thôn đạt trên 14 triệu đồng, tăng gần 8 triệu đồng so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5%/năm. Khoảng cách về mọi mặt giữa cư dân nông thôn với cư dân đô thị đang dần thu hẹp.

Tuy nhiên, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức thật đầy đủ về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi còn phân tán, manh mún; tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên chưa được khai thác triệt để. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Cơ cấu kinh tế trong nông thôn còn nặng về nông nghiệp. Ngành nghề dịch vụ chưa thu hút được nhiều lao động. Lao động chủ yếu là thủ công, tỷ lệ qua đào tạo thấp, số lao động thiếu việc làm còn lớn. Một số cán bộ chuyên trách công tác nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng một số tổ chức trong hệ thống chính trị nhiều nơi còn hạn chế. Tình trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, các tai tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; nhiều vùng nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Môi trường sinh thái một số nơi chậm được cải thiện, thậm chí có nguy cơ gia tăng ô nhiễm, nhất là ở các làng nghề, cụm công nghiệp, vùng có đông dân cư sinh sống. 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh trong điều kiện hội nhập quốc tế. 
 
Hai là, tiếp tục rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chi tiết để kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy hoạch và tăng cường công tác quản lý quy hoạch.

 Ba là, ưu tiên nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, tăng cường và mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Gắn chặt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn.

Bốn là, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng, liên kết vùng, nhất là các sản phẩm, ngành nghề đặc trưng như chăn nuôi hươu, trâu, bò, lợn; cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cây công nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. 

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Thực hiện cơ khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa vào các khâu của quá trình sản xuất, chế biến. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Đầu tư mới các cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ nhà máy chế biến súc sản sớm đi vào hoạt động.

Sáu là, chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề, dịch vụ, các thành phần kinh tế trong nông thôn. Tiếp tục phát triển, đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã. Khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, các doanh nghiệp tư nhân phát triển; chú ý phát triển một số doanh nghiệp làm “đầu kéo” thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất khác; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ thú y, thủy lợi, điện, dịch vụ kỹ thuật, tín dụng, cung ứng vật tư, thu mua hàng nông sản, thu gom, xử lý chất thải,...

Bảy là, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; khai thác có  hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn; đảm bảo an toàn hồ đập, đê sông, đê biển, nhất là những nơi xung yếu. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn, hệ thống điện, chợ nông thôn, hệ thống thông tin; phát triển các thị trấn, thị tứ. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách, nhà ở tránh lũ cho nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt.

Tám là, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nông thôn thực sự trong sạch vững mạnh. Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở tuyến y tế cơ sở.

Chín là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tranh thủ các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là những vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đây là một cuộc cách mạng lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các thành phần kinh tế và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Với những kết quả đạt được và kinh nghiệm bước đầu thời gian qua sẽ tạo động lực để nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh tiếp tục có bước phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới./.
L.Đ.S
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nông

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 182

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 180


Hôm nayHôm nay : 52742

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1058444

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72741153