Không chỉ được biết đến với tư cách một nữ nhà thơ nổi tiếng, Nghiêm Thị Hằng còn được biết đến là một nhà báo gắn bó cuộc đời mình với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chọn cho mình con đường dấn thân nhọc nhằn một nắng hai sương, như chính những người nông dân, nữ thi sĩ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã có những đóng góp và thành công đáng kể trên những chặng đường mà mình đã đi qua.
Nhà báo của nông dânGần 30 năm qua, việc rong ruổi đến các vùng quê thu thập thông tin để viết bài đã trở thành công việc thường nhật của nhà báo Nghiêm Thị Hằng. Khi thì đóng giả người buôn thóc giống để điều tra về việc bán thóc giống giả; có khi lại lặn lội vào Tây Nguyên để tìm hiểu về nạn rệp sáp trên cây cà phê rồi lại ngược lên Tây Bắc viết bài cái đói giáp hạt của đồng bào vùng cao. Với nhà báo Nghiêm Thị Hằng, nông nghiệp – nông thôn đã trở thành máu thịt.
Ngày hôm nay, chúng tôi theo chân nhà báo Nghiêm Thị Hằng đi thu thập thông tin. Đi qua những đoạn đường lầy lội để đến với nông dân, đồng hành với nữ nhà báo này, chỉ là chiếc xe máy đã cũ.
Nhà báo Nghiêm Thị Hằng( bên phải ảnh) trò chuyện với nông dânĐối với bà con nông dân, những cuộc trò chuyện với Nghiêm Thị Hằng không chỉ như với một nhà báo mà còn như là với một người thân.
Nhà báo Nghiêm Thị Hằng: Khang dân này năm nay tốt đấy, có được tạ tám, hai tạ/sào không chị? Mà mưa gió lúa đổ hết cả chị nhỉ?Nông dân: Thấy mấy nhà gặt rồi thì họ bảo được 2 tạ hơn 2 tạ đấy, nhưng mà mưa lúa đổ hết cả…Ngày đi thu thập thông tin, tối về nhà lại viết bài, gần 30 năm gắn bó với báo Nông nghiệp Việt Nam, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã nhận được được rất nhiều giải thưởng dành cho nhà báo viết về nông nghiệp – nông thôn. Nhưng cho đên tận bây giờ, với bà, lĩnh vực này vẫn còn sức hấp dẫn lạ kì.
“
Khi mình ở bộ đội về, mình đã xin vào báo Nông nghiệp VN. Mình là con nông dân nên mình thấy hạnh phúc vì điều đó. Cái mảnh đất nông nghiệp nông thôn vẫn còn là một cánh đồng hoang mà bất cứ ai yêu thích cũng có thể khai thác, mình nghĩ thế nên mình đã gắn bó với nó cả cuộc đời”- Nhà báo Nghiêm Thị Hằng chia sẻ.
Nhà thơ về nông dânLàm báo vốn dĩ đã quá nhiều vất vả, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Và mỗi khi công việc căng thẳng, Nghiêm Thị Hằng lại tìm đến thơ để giải tỏa nỗi niềm. Cảnh quê, người quê ở những nơi bà từng đến đã đi vào thơ của bà một cách rất mộc mạc, tự nhiên.
Những bài thơ của bà cũng đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.“
Tôi đã đọc thơ của Hằng mấy chục năm nay rồi mà gặp ở trên báo, thấy hay, tôi phổ nhạc. Nói về thơ của Hằng thì nó phải bắt nguồn từ công việc của cô ấy, làm báo nhưng báo nông nghiệp nên làng quê, công việc đồng áng đầy ắp trong đầu cô ấy, nên thơ của cô ấy gắn bó với đồng quê, rất trữ tình, bài nào cũng có thể phổ nhạc được.”- Nhạc sĩ Thanh Phúc nói.
Những vần thơ giản dị nhưng chất chứa tình yêu mãnh liệt của người con gái trong bài thơ nổi tiếng Mùa hoa cải của nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã trở nên quen thuộc với nhiều người:
Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đang thì con gái/Đợi anh chưa lấy chồng…Cùng với Mùa hoa cải, hàng trăm bài thơ khác của bà đã lần lượt ra đời và được công chúng đón nhận. Đó cũng là cách để bà cân bằng lại sau những nhọc nhằn của nghề báo…
Theo vtc16.vn