Đạt được kết quả này, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, thống nhất chỉ đạo từ trên xuống cơ sở, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận cao từ người dân tới các tổ chức xã hội, doanh nghiệp... PV Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh Quảng Ninh.

Ông đánh giá ra sao về kết quả sau hơn 3 năm thực hiện chương trình XDNTM ở Quảng Ninh?

- Chúng tôi xác định tiêu chí về thu nhập là tiêu chí quan trọng nhất của chương trình NTM. Để làm được điều đó phải có sự hỗ trợ lớn để thực hiện các nội dung, như: Xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước..., tức là các điều kiện phục vụ cho sản xuất. Thực hiện chương trình này, QN dồn nhiều tâm huyết, công sức và hằng năm chúng tôi dành từ 300 - 500 tỉ đồng ngân sách cho chương trình. Trong đó, đầu tư 40 - 50% hỗ trợ phát triển sản xuất; phần còn lại dành cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, môi trường và các thiết chế văn hóa ở cơ sở.


Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung nhiều vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Chúng tôi quy hoạch lại các vùng sản xuất (QN có 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung) và đưa khoa học, công nghệ vào xây dựng những mô hình để nông dân cùng bắt tay vào quy trình sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, chúng tôi thúc đẩy cơ chế thu hút DN, mời DN tham gia vào sản xuất nông nghiệp. DN sẽ là điểm tựa cho nông dân, vì họ có nguồn lực, có vốn, có kinh nghiệm trong sản xuất, là nòng cốt tạo thành "vệ tinh" cho người nông dân sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi phải tìm kiếm sự kết nối giữa những đơn vị tiêu thụ và người sản xuất, từ đó tạo sự gắn kết 2 bên. QN có thuận lợi là có ngành khai khoáng rất lớn, với trên 10 vạn lao động sản xuất tập trung, cùng với lượng khách du lịch hằng năm đông đảo. Vì thế, tất cả các sản phẩm nông sản của QN về cơ bản là đáp ứng đủ nhu cầu. Chúng tôi rất mừng là cách đây 2 năm, QN chỉ đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu nông sản thì đến thời điểm này đã tự cung, tự cấp được hơn 85%. Một số sản phẩm xây dựng thương hiệu dần trở thành một chuỗi sản phẩm tiêu thụ không thể thiếu hệ thống bán lẻ của Big C và Metro. Nhờ vậy, đời sống của nông dân đã được nâng lên. Đời sống của nông dân vùng nông thôn cải thiện thì hệ thống chính trị sẽ tốt lên.

Sau 3 năm thực hiện, chúng tôi đã có 34 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM. Đây là con số đáng khích lệ. Hết năm 2014, chúng tôi có thêm 36 xã nữa đạt NTM. Cứ theo lộ trình hết năm 2015, QN có trên 70 xã đạt tiêu chí NTM. Và như vậy, QN sẽ hoàn thành chương trình này trước 5 năm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là khó khăn trong việc chuyển đổi canh tác, tập quán sản xuất của người nông dân (từ tập quán nhỏ lẻ manh mún, sang nền sản xuất theo cơ chế thị trường và sản xuất tập trung). Đây là vấn đề khó của ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung. QN đang đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng vấn đề này đòi hỏi sự kiên trì.

QN đang áp dụng "Mỗi xã phường một sản phẩm" và hình thành những vùng sản xuất quy mô tập trung, vậy cho đến nay, mô hình này triển khai ra sao, thưa ông?

- Đây là mô hình hay mà chúng tôi học tập được từ Thái Lan và Nhật Bản. Bản chất nó là tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa ở các khu dân cư, những địa bàn rất nhỏ, có thể từ một số nhóm hộ gia đình, một xã, một thôn tập trung đi vào các sản phẩm truyền thống. Đây là một thế mạnh của QN, bởi sản phẩm truyền thống rất nhiều về ẩm thực, đồ mỹ nghệ..., trải dài gần 300km từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Những sản phẩm có thương hiệu truyền thống đều được người dân và du khách chấp nhận. Do vậy, chúng tôi bắt đầu tổ chức lại sản xuất và lập đề án riêng chương trình này. Đến nay, công tác triển khai đang theo đúng lộ trình tiến độ.

Chúng tôi bình chọn trên 60 sản phẩm cho 5 nhóm hàng. Bên cạnh đó các cơ quan của tỉnh sẽ hỗ trợ sản xuất bao bì, kỹ thuật và dây chuyền; xây dựng các điểm bán hàng "mỗi xã phường một sản phẩm" từ Đông Triều ra đến Móng Cái và các trung tâm lớn. Vừa qua, chúng tôi thí điểm đưa ra trưng bày tại Lễ hội hoa anh đào và Carnaval và đã được đông đảo người dân đón nhận. Đó là kết quả ban đầu mà chúng tôi cho là rất thành công. Thời gian tới, QN quyết tâm chỉ đạo chương trình này, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho chương trình và đảm bảo rằng nó sẽ gắn kết trực tiếp tới đời sống, việc làm của người dân tại cơ sở. Chúng tôi cho là sẽ bền vững, hiệu quả cao.

Mục tiêu là năm 2015, QN sẽ về đích XDNTM trước 5 năm so với cả nước. Vậy những công việc nào QN tiếp tục phải làm và hoàn thành, thưa ông?

- Chúng tôi quyết tâm sẽ về đích trước 5 năm. Vì QN xác định năm 2015 cơ bản sẽ là tỉnh công nghiệp. Đương nhiên chúng tôi phải giải bài toán về nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, những việc chúng tôi làm quyết liệt hơn tiếp theo là đầu tư cho sản xuất phát triển, nâng cao đời sống và đầu tư cho hạ tầng. 2 điều này là mấu chốt hoàn thành XDNTM. Vì từ đây, nó tháo gỡ tất cả các vấn đề liên quan đến đời sống, văn hóa ở khu dân cư, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, cải thiện môi trường...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
TRẦN NGỌC DUY THỰC HIỆN 
Nguồn laodong.com.vn