Từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Kiên Giang đầu tư phát triển hệ thống bưu điện văn hóa xã gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phương thức quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo đó, hệ thống bưu điện văn hóa xã trở thành cơ sở hạ tầng mới bên cạnh các thiết chế khác như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa…để hợp thành một quần thể làm tốt công tác phục vụ công ích cho nhân dân.
Với 138 điểm bưu điện văn hóa xã hiện có, Bưu điện tỉnh Kiên Giang phối hợp với các ngành chức năng củng cố và làm mới lại cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao khả năng phục vụ các nhu cầu cần thiết về thông tin truyền thông cho khu vực nông thôn.
Tỉnh nghiên cứu xây dựng bưu điện văn hóa xã trở thành kênh phân phối bán lẻ những dịch vụ kinh doanh của bưu điện và các tổ chức doanh nghiệp khác phù hợp với điều kiện hoạt động, nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính bán lẻ, viễn thông cơ bản, mở rộng cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể là các dịch vụ công ích bưu chính, viễn thông với giá rẻ, internet, thu cước, thu hộ bảo hiểm, điện lực, truyền hình vệ tinh, chi hộ ngân hàng...
Trước mắt, từ nay đến năm 2015, Kiên Giang đầu tư sửa chữa, nâng cấp 35 điểm bưu điện văn hóa xã ở 35 xã điểm xây dựng nông thôn mới và cung cấp 200 đầu sách/xã. Tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, chương trình kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân viên bưu điện văn hóa xã về kinh doanh, tiếp thị, ứng dụng tin học… đáp ứng yêu cầu về triển khai các loại hình dịch vụ mới.
Đặc biệt, tỉnh đổi mới cơ chế và mô hình tổ chức của bưu điện văn hóa xã, nghiên cứu triển khai mô hình “Tổ dịch vụ”, “Gia đình bưu điện văn hóa xã” nhằm mục tiêu hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân các vùng nông thôn./.
PV
Nguồn tamnhin.net