Quy chế này quy định về xây dựng kế hoạch; huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn; tổ chức, điều phối; theo dõi, kiểm tra và đánh giá trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quy chế nêu rõ, việc quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trách nhiệm của các bộ, ngành và các cấp ở địa phương; vai trò giám sát của cộng đồng trong quản lý và điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong quản lý, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể và sự tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quy chế nêu rõ, kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được lập trong thời hạn 5 năm, cùng với kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội để tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được lập cùng với kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội hằng năm để triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm.
Lập kế hoạch thực hiện chương trình MTQG trên địa bàn cấp xã
Căn cứ hướng dẫn xây dựng kế hoạch và thông báo dự kiến nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của cấp có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã giao Ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã; thông báo các nội dung, hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến triển khai trên địa bàn xã đến người dân thụ hưởng và cộng đồng.
Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã. Nội dung của kế hoạch bao gồm: danh mục và nội dung chủ yếu của các hoạt động, công trình, dự án cần thực hiện trong kỳ kế hoạch; đề xuất đơn vị chủ trì thực hiện.
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thảo luận lấy ý kiến công khai vào kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã; hoàn thiện kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét cho ý kiến và tổng hợp.
Giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện chương trình MTQG
Các chương trình mục tiêu quốc gia chịu sự giám sát của cộng đồng. Cơ chế giám sát cộng đồng thực hiện theo hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Nội dung giám sát tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của cộng đồng gồm: Việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia; các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, quản lý ngân sách nhà nước; các dự án đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng một phần vốn đóng góp của người dân, vốn huy động khác tại địa phương; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các nội dung, hoạt động và nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, cộng đồng sẽ giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công, trong quản lý ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 14 Luật đầu tư công và Điều 15 Luật ngân sách nhà nước; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của chương trình.
Theo Chí Kiên/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn