Chú trọng thu nhập người dân
Quảng Nam có 213 xã, trong đó 7 xã được UBND tỉnh thống nhất chỉ lập quy hoạch SX (thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp). Trong 206 xã còn lại, hiện đã có 201 xã hoàn thành quy hoạch. Theo báo cáo tại hội nghị, sau 3 năm, bình quân các xã đạt 5,98 tiêu chí NTM. Đạt chuẩn 19 tiêu chí chưa có xã nào; từ 15 - 18 tiêu chí có 12 xã; từ 10 - 14 tiêu chí có 28 xã; từ 5 - 9 tiêu chí 70 xã; dưới 5 tiêu chí có 96 xã.
Ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam, cho biết: Xây dựng NTM cần chú trọng đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) gần 3.300 ha, xây dựng được hơn 80 cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật. Hướng dẫn bà con nông dân SX nông sản an toàn VietGAP, thực hiện mô hình IPM, mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI ở các xã miền núi. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo, thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với chỉnh trang vườn nhà…
Người dân chung tay xây dựng đường bê tông liên thôn, xã
Mục tiêu đến năm 2015, bình quân toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 7 tiêu chí/xã, 50 xã điểm sẽ về đích. Để làm được điều đó cần phải tiếp tục kiện toàn bộ máy giúp việc BCĐ các cấp, ban hành quy định mức hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức… Tập trung xây dựng, phê duyệt đề án phát triển sản xuất, tăng thu nhập của người dân. Tổ chức sản xuất hàng hóa theo quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu canh tác, nâng cao giá trị hàng hóa…
Ông Quang nhấn mạnh: “Quảng Nam sẽ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng những vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Phát triển các ngành nghề, làng nghề nông thôn, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các mặt hàng gia công. Ưu tiên lựa chọn làm trước các công trình thiết yếu, các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu thiết thực cuộc sống của người dân như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học, y tế…”.
Tháo gỡ khó khăn
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, xác định: Quảng Nam có điểm xuất phát thấp nên xây dựng NTM sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Công tác tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả cao, nội dung tuyên tuyên đang còn chung chung, chưa có điểm nhấn. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM chưa được phát huy cao, cán bộ còn trông chờ, ỷ lại. Sự chung sức, chung lòng của người dân chưa được mạnh mẽ, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác chỉ đạo quy hoạch chưa đạt được mục đích cao”, ông Thanh kết luận.
Phú Ninh là huyện của tỉnh Quảng Nam nằm trong 5 huyện được BCĐ Trung ương chọn chỉ đạo điểm xây dựng NTM. Trước những khó khăn còn tồn tại, ông Đặng Bá Dự, Phó Chủ tịch huyện Phú Ninh, đề xuất: Trung ương cần có cơ chế đặc thù riêng cho huyện chỉ đạo điểm, nhất là cách làm. Cần ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có mục tiêu khác của Trung ương, của tỉnh. Cần hỗ trợ đầu tư một số công trình hạ tầng cấp bách trên địa bàn huyện, nhằm tạo điều kiện cho huyện sớm hoàn thành NTM…
Chung quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị Trung ương kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Ví dụ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn; chính sách đối với làng nghề, ngành nghề nông thôn... Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể đối với kinh tế trang trại; hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Thường trực BCĐ Trung ương sớm đề xuất tỷ lệ tối thiểu các cấp bố trí trực tiếp cho chương trình và bố trí kế hoạch vốn giai đoạn 2014 - 2015 để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cho phù hợp.
Quảng Nam đầu tư xây dựng NTM với nguồn vốn gần 231 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 146 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 85 tỷ đồng. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 2.372 tỷ đồng; vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 6.344 tỷ đồng; vốn huy động của nhân dân 561 tỷ đồng… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn