Cơ sở may găng tay xuất khẩu Phú Hoàn (xã Tân Hòa, Vũ Thư) tạo việc làm cho nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. |
Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của Tân Hòa là 6,05%, năm 2013 giảm xuống còn 3,9%. Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 3% trong năm nay, xã đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp giúp hộ nghèo phát triển kinh tế hướng tới thoát nghèo bền vững. Do đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đề ra kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo như tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân, cùng chung tay góp phần hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM. Ngoài ra, Tân Hòa tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đã và đang thực hiện, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, thông qua các chính sách hỗ trợ vốn vay trên các lĩnh vực: giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”; Hội Nông dân xã vận động cán bộ, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, giống, khoa học kỹ thuật. Những hoạt động này đã giúp cho hộ nghèo thay đổi được nhận thức và vươn lên thoát nghèo bền vững. Để giúp hộ nghèo có vốn sản xuất, các đoàn thể còn hướng dẫn các hộ dân làm thủ tục vay vốn, nỗ lực khai thác các nguồn vốn, làm dịch vụ ủy thác, tín chấp với ngân hàng để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn nhanh nhất. Đây là giải pháp đem lại hiệu quả rõ nhất đối với các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Đến nay, các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vốn Việt Đức với số tiền 624 triệu đồng cho 79 hộ vay. Nhiều gia đình được ngân hàng cho vay vốn mở rộng ngành nghề, chăn nuôi đã thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã còn khơi dậy ý chí thoát nghèo cho các gia đình được giúp đỡ. Với phương châm “Cho cần câu thay vì con cá”, Tân Hòa đã phối hợp các cấp, các ngành trên mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nhằm giúp hộ nghèo nắm bắt được các quy trình, kỹ thuật sản xuất sao cho đạt hiệu quả. 8 tháng đầu năm 2014, Tân Hòa đã mở 4 lớp dạy nghề may công nghiệp, chăn nuôi, vận hành sửa chữa máy nông nghiệp, đan làn nhựa cho trên 100 học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sau các khóa đào tạo nghề, chính quyền địa phương đã liên kết với các cơ sở may nhận học viên vào làm.
Chúng tôi đến thăm cơ sở may của gia đình chị Phạm Thị Hoàn (thôn Đại Đồng), vợ chồng chị đều là người khuyết tật nhưng có ý chí vươn lên mở cơ sở sản xuất găng tay xuất khẩu sang Hàn Quốc. Chị Hoàn chia sẻ: Thấu hiểu khó khăn của bản thân và gia đình khi mở cơ sở may, các cấp chính quyền, đoàn thể tạo mọi điều kiện giúp đỡ để được vay vốn ngân hàng. Từ nguồn vốn ban đầu, cùng sự nỗ lực vươn lên của bản thân, đến nay cơ sở may của gia đình phát triển ổn định, tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, trong đó có trên 10 lao động là người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với thu nhập ổn định.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Hòa tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo cho các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã. Tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác giảm nghèo, để nhân dân tự giác quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng NTM trong năm 2014.
Mạnh Thắng
Nguồn: baothaibinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn