Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại tọa đàm “Tam nông, phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn - nông dân”, do UBND tỉnh Đồng Tháp, Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM, Trung tâm nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt đồng tổ chức hôm qua 12.9 tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Tạo thương hiệu gạo Việt Nam
Theo TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, do thời gian qua giá nông sản giảm thấp, nông dân không tăng thu nhập từ cây lúa nên mất động lực sản xuất. TS Thế Anh cũng cho rằng, khâu nhãn hiệu và thương hiệu gạo Việt Nam khá quan trọng, phải tạo thương hiệu như phần hồn, nhãn hiệu là phần xác và được bảo hộ chính thức ở các thị trường chính. Ngoài ra, cũng cần tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo, xác định mục tiêu khoảng 25% gạo chất lượng cao, giảm gạo chất lượng thấp, nghiên cứu thị trường tiềm năng cho gạo đặc sản Việt Nam, quy hoạch vùng trồng phù hợp cho các giống chất lượng, giảm sử dụng hóa chất và phân hóa học... GS Trần Đình Long nhấn mạnh Việt Nam phải có giống quốc gia và thương hiệu bản quyền, muốn có thương hiệu phải có giống tốt, để cho ra gạo tốt bán ra thế giới.
GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang sản xuất tự phát như thời kỳ lạc hậu, tình trạng thiếu tổ chức, mạnh ai nấy lo, mù tịt về thị trường đã đẩy nông dân sản xuất theo phong trào, muốn trồng cây gì là trồng, chặt là chặt. Nông dân sản xuất mà không biết chắc chắn ai sẽ mua nông sản, thương lái thì hay ép giá nông dân trong khi doanh nghiệp (DN) không có vùng nguyên liệu, phụ thuộc vào thương lái, nhà nước thì không tổ chức được chuỗi giá trị… Vì vậy mà nông dân Việt Nam vẫn đang luẩn quẩn với cái nghèo, với điệp khúc sản xuất không đủ xài, lợi tức thấp nên không thể tiết kiệm để có thể tái đầu tư, thoát nghèo…
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, để nông nghiệp phát triển bền vững cần có những doanh nhân có tài kinh doanh để tổ chức sản xuất được các mặt hàng nông lâm thủy hải sản theo hướng chuỗi giá trị và công nghiệp hóa. Cần có nhiều doanh nhân giỏi ngoại ngữ, có kinh nghiệm thị trường quốc tế, chuyên đi các nơi trên thế giới để tìm thị trường hoặc mở thị trường.
GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nói Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức như diện tích đất trên đầu người thấp (thế giới 1,2 ha/người; Việt Nam 0,104 ha/người và ngày càng giảm), năng suất nông nghiệp không tăng nhiều, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thấp, giá sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp… “Cần phải tính đến giải pháp đầu vào và đầu ra. Cụ thể đầu vào phải phát triển hình thức liên kết DN - nông dân để cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu; nông dân chủ động liên kết hình thành các hợp tác xã để sản xuất trên cánh đồng lớn; hình thành DN nông nghiệp, đẩy mạnh việc tạo giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu… Ở đầu ra thì phải thực hiện các mô hình mua bán tập trung như sở giao dịch hàng hóa, phải công khai cho quốc tế hiểu Việt Nam không bán phá giá”, GS Long đề xuất.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhấn mạnh quan trọng là kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tạo được vùng nguyên liệu chất lượng cho sản xuất. Cần tạo mối gắn kết giữa DN và nông dân, không để nông dân sản xuất theo kiểu cầu may. Trong khi đó, ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty TNHH cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Long An), nói phải cơ giới hóa nông nghiệp ngay, kiến thiết đồng ruộng theo hướng ứng dụng cơ giới hóa, ruộng được san phẳng bằng công nghệ laser, tạo ra ruộng thửa lớn để cơ giới hóa hiệu quả; bờ ruộng phải đủ rộng để phương tiện cơ giới vào tận nơi, triệt để chế biến phụ phẩm từ trấu, cám, tấm.
Thanh Dũng
Theo Báo Thanh Niên