Vào cuộc quyết liệt
Ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, xây dựng NTM ở Đại Hiệp được chính quyền địa phương và người dân thực hiện từ nhiều năm trước. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, khi T.Ư phát động Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Đại Hiệp đã đẩy nhanh, đẩy mạnh chương trình một cách quyết liệt và bài bản hơn.
Ngay từ đầu, Đại Hiệp xác định phương châm “4 biết” xây dựng NTM của xã là: “dân biết, dân bàn, dân đóng góp và dân hưởng lợi”, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ và nhân dân. Do đó, công tác tổ chức, tuyên truyền được Ban chỉ đạo xã thực hiện quyết liệt. Ngoài ra, địa phương cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị đảm nhận một phần việc xây dựng NTM. Cụ thể: Hội Phụ nữ với phong trào thu gom rác thải; Hội Cựu chiến binh với tổ an ninh tự quản; Hội Nông dân với phong trào nông dân sản xuất giỏi… Nhờ cách làm này mà nhiều tiêu chí đã nhanh chóng hoàn thành.
“Nếu như năm 2010, xã Đại Hiệp, chỉ cơ bản đạt 10-11 tiêu chí, hộ nghèo còn chiếm 11,48% thì đến nay, Đại Hiệp đã đạt 15/19 tiêu chí và trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Quảng Nam với hộ nghèo giảm còn 3,4%. Hiện 4 tiêu chí gần đạt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và chợ nông thôn, địa phương đang tiếp tục đầu tư để hoàn thành trong những tháng còn lại năm 2014” - ông Đông chia sẻ.
Không chạy theo hình thức
Theo ông Đông, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là tạo diện mạo mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn và đặc biệt là đời sống của người dân được nâng lên. Do đó, chủ trương của Đại Hiệp là không cố gắng để đạt tiêu chí một cách hình thức mà quan tâm nhiều đến chất lượng các tiêu chí và tính bền vững của các tiêu chí. Thực tế trong mấy năm qua cho thấy, để nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân cũng như xây dựng NTM một cách bền vững nhất, xã Đại Hiệp đã ưu tiên đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, nhiều mô hình đã được phát triển và nhân rộng như trồng chuối lùn, chăn nuôi, xây dựng các cánh đồng lúa giống, lúa chất lượng…
Bên cạnh đó, địa phương này cũng tập trung thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển ngành nghề thế mạnh của Đại Hiệp. Hiện nay trên địa bàn xã có gần 20 doanh nghiệp lớn đã đầu tư và đi vào hoạt động khá hiệu quả, như Công ty CP Đất Quảng, Công ty TNHH XD&PTNT Đại Lộc, Công ty May DHF Đại Hiệp, Công ty SX-TM-DV Đại Hiệp, HTX Tiểu thủ công nghiệp Đại Hiệp… và hàng trăm cơ sở kinh doanh, buôn bán khác. Bình quân mỗi năm các DN giải quyết trên 4.000 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định từ 3 – 3,5 triệu đồng người/tháng…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn