Tuy nhiên, con số ấy cũng đang dấy lên hoài nghi về thực trạng một số xã chạy theo thành tích. Cuộc trao đổi giữa PV Báo NNVN với ông Phạm Minh Chính (ảnh), Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện Nông Cống sẽ làm rõ vấn đề này.
Xin ông cho biết thuận lợi, khó khăn của địa phương trong quá trình xây dựng NTM?
Nông Cống là huyện thuần nông nằm phía tây nam tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích tự nhiên 286 km²; dân số trên 18 vạn người, phân bố ở 33 xã, thị trấn (trong đó có tới 87,9% dân số SXNN).
Đặc thù trên vừa là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn cho chúng tôi trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Xét về thuận lợi, đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của BCĐ xây dựng NTM tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các thành phần kinh tế đến sự đồng tình ủng hộ, tham gia của người dân.
Còn khó khăn, ngoài ảnh hưởng của suy thoái kinh tế dẫn đến nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM hạn chế, Nông Cống còn gặp phải một số khó khăn riêng như: xuất phát điểm thấp, DN ít và nhỏ; lĩnh vực SXNN thường xuyên gặp phải lũ lụt, dịch bệnh nhiều; nhận thức về quan điểm, mục tiêu, giải pháp, lộ trình xây dựng NTM của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn chung chung, chưa đầy đủ; còn xuất hiện tư tưởng trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước; thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; bên cạnh có, nhiều xã cũng chưa huy động tốt nguồn vốn trong xã hội đầu tư cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là từ các thành phần kinh tế, DN…, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chương trình.
Vậy, Nông Cống xác định trọng tâm trong xây dựng NTM là gì, thưa ông?
Mục đích cuối cùng Chương trình xây dựng NTM hướng đến là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; nếp sống văn hóa, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Vì thế, từ những ngày đầu bắt tay thực hiện, chúng tôi xác định trong tâm là tập trung đầu tư cho SXNN, coi đây là chìa khóa của sự thành công.
Theo đó, nhiều chính sách kích cầu đã được ban hành, như: khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư cho người dân mua thiết bị máy móc, đưa cơ giới hóa vào SX; ban hành nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, áp dụng tiến bộ KHKT từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy đến thu hoạch lúa, từng bước giảm chi phí SX từ 3,6 - 4,2 triệu đồng/ha, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản theo hướng hàng hóa. SXNN từ đó chuyển dịch theo hướng liên doanh, liên kết với các tổ chức, DN gắn liền với chế biến và tiêu thụ.
Nông Cống giữ được nét đẹp làng quê Việt
Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình SX để chuyển giao cho bà con, như: mô hình SX giống lúa P6 đột biến trên vùng đất ngoài đê sâu trũng, thường xuyên mất mùa của 16 xã; mô hình SX nấm; nuôi trồng thủy sản tổng hợp; phát triển chăn nuôi; trồng các loại cây xuất khẩu như ớt, bí xanh, rau an toàn; trồng hoa và thanh long ruột đỏ… góp phần tăng thu nhập lên từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
Đồng thời, phát động phong trào nông dân thi đua SX, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khắc phục tư tưởng chần chừ, ngại khó, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước hoặc nóng vội, chạy theo thành tích và xem đây là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH nông thôn.
Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện đến nay thế nào?
Sau 3 năm thực hiện Chương trình, tính đến thời điểm này toàn huyện đạt 334 tiêu chí, bình quân 10,8 tiêu chí/xã. Năm 2013, bình quân mỗi xã tăng 3,4 tiêu chí. Trong đó 2 xã Tượng Văn và Trường Sơn được công nhận xã đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt 17 - 18 tiêu chí; 8 xã từ 12 - 14 tiêu chí; 5 xã đạt 10 - 11 tiêu chí và 14 xã từ 5 - 9 tiêu chí.
Năm nay, Nông Cống đặt mục tiêu có thêm bao nhiêu xã đạt chuẩn NTM?
Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, kết quả đạt được mới chỉ là bắt đầu, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp túc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt một cách bền vững. Phấn đấu năm nay có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, các xã giai đoạn 1 còn lại hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015.
Muốn làm được điều đó, ngoài tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, chúng tôi sẽ tạo điều kiện khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; huy động, thực hiện có hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình SX tiên tiến, hiệu quả trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích và sản phẩm; quan tâm vấn đề an sinh xã hội, môi trường để đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, ở một số nơi có tình trạng chạy theo thành tích, tiêu chí đạt chuẩn thiếu tính bền vững, theo ông 2 xã Trường Sơn và Tượng Văn có xảy ra tình trạng trên không?
Tôi khẳng định là không, bởi Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Nông Cống đã đi vào chiều sâu từ huyện đến cơ sở, những tiêu chí mà các xã đã đạt được đều có tính bền vững.
Việc thẩm định xã đạt chuẩn NTM cũng như thẩm định việc hoàn thành các tiêu chí của từng xã chúng tôi tiến hành chặt chẽ theo quy định. Trước hết là BCĐ xã tự đánh giá, đưa các tiêu chí đã đạt công bố công khai để tham khảo ý kiến nhân dân, sau đó lập tờ trình báo cáo BCĐ huyện. BCĐ huyên tiến hành thẩm định và ra quyết định công nhận từng tiêu chí.
Đối với 2 xã Tượng Văn và Trường Sơn còn tổ chức thêm việc lấy ý kiến nhân dân về sự hài lòng của họ trong quá trình thực hiện cũng như tác dụng và hiệu quả của những kết quả mà Chương trình xây dựng NTM đem lại. Nếu có việc chạy theo thành tích, kết quả không đúng thực tế, huyện sẽ không công nhận và xứ lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Xin cảm ơn ông!
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn