Đến năm 2020, phấn đấu có khoảng 2.100 ha chè đưa vào khai thác
Hà Tĩnh có tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng. Hiện nay, cây lạc và cây chè công nghiệp là hai sản phẩm thuộc những sản phẩm chủ lực hàng hóa của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích trồng lạc ở các vùng, địa phương đang giảm dần, tập quán sản xuất chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ, ít được đầu tư về KHKT, về giống và bảo quản, chế biến sản phẩm. Hiện nay, hơn 80% số lượng sản phẩm được thu mua bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh, còn tỷ lệ xuất khẩu rất ít.
Đối với cây chè công nghiệp, chủ yếu tập trung ở các vùng trung du miền núi, lớn nhất ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Hiện, các vùng sản xuất đã hình thành được các vùng sản xuất thâm canh, tập trung; một số doanh nghiệp, địa phương đã xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bước đầu, sản phẩm đã xuất khẩu thành công ra thể giới, song chưa tạo ra được sản phẩm lớn, chất lượng cao, đồng đều giữa các vùng; sản xuất vẫn mang tính quảng canh…
Nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại cây trồng chủ lực của tỉnh để tăng năng suất, chất lượng; tạo ra các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, phục vụ xuất khẩu, Sở NN&PTNT công bố quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển cây lạc, cây chè công nghiệp Hà Tĩnh.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, diện tích gieo trồng lạc hàng năm là 20.590 ha, trong đó vụ xuân 17.991 ha, vụ hè thu 2.364 ha và vụ thu đông 235 ha; diện tích gieo lạc thương phẩm hàng năm đạt 18.881 ha, diện tích lạc giống: 1.709 ha; ước tính sản lượng lạc đến năm 2020 đạt 59.700 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.550 tỷ đồng.
Đối với cây chè, tiếp tục trồng mới để hình thành các vùng chè công nghiệp tập trung và ổn định quy mô diện tích 3.400 ha vào năm 2020; xây dựng và đưa vào hoạt động 7 xưởng chế biến với tổng công suất 68 tấn chè búp tươi/ngày đêm theo công nghệ hiện đại. Đến năm 2020, khoảng 2.100 ha chè đưa vào khai thác, sản lượng đạt 6200 tấn búp khô sơ chế, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 triệu USD. Trong đó, phấn đấu, 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo VietGap.
Báo cáo quy hoạch tổng thể đặt ra 9 nhóm giải pháp, trong đó quan trọng là nhóm giải pháp về giống, chính sách, KHCN và thị trường.
Nguyễn Oanh
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn