Một trang trại nuôi bò sữa gần 300 con, 6 hécta đất trồng cỏ, một số diện tích khác trồng rau và dự phòng mở rộng trang trại, bên cạnh đoàn xe vận tải chuyên chở sản vật do anh và bà con nông dân làm ra…
Thấy chúng tôi đến, anh rời đàn bò, vẫn còn vươn mùi sữa lẫn cỏ chua. Rít một hơi thuốc lá, anh quay vào chuồng trại. Nghe tiếng vỗ tay, mấy “chị bò” tranh nhau chạy đến trình diện ông chủ để được phần ăn. Một chị bò khác đứng ở cuối chuồng tỏ vẻ lỳ lượm, không thèm bon chen. Anh Tuấn liền gọi hai tiếng đứt quãng “Đỏ; Đỏ!”
Chị bò có bộ lông màu đỏ sậm (khác những con màu trắng đen) từ xa nghe tiếng kêu của ông chủ liền một mạch đâm đầu chạy tới gá cái mồm lên máng cỏ để chủ vuốt ve. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên và tự vấn: “Ai bảo ngu như bò!”
Tác giả chụp ảnh với ông chủ Nguyễn Hữu Tuấn bên trang trại bò sữa
Anh Tuấn kể rằng, vùng đất này (xóm Giãn dân, xã Lạc Xuân) xưa kia còn vắng lắm, chỉ có vài buôn dân tộc sống xa xa nơi ven rừng, làm nghề phát nương làm rẫy. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề trồng và buôn bán rau, anh quyết định đầu tư mở trang trại nuôi bò sữa, nhưng khổ nỗi anh chỉ có 3 hécta đất mua gom.
Nghe tin ông chủ đất muốn về Sài Gòn nhượng lại đất, anh đặt vấn đề, ông ta không chỉ đồng ý ngay mà còn cho nợ tiền mua đất. Anh phá hết hoa màu để trồng cỏ, đồng thời xây dựng trại nuôi bò sữa.
Lúc đầu anh chọn 100 con giống tốt, và tăng dần đến năm thứ ba thì đàn bò đã gần 300 con, trên 2/3 con giống đã cho sữa, bình quân mỗi con cho 30 lít/ngày, mỗi ngày thu 1,5-2 tấn sữa tươi.
Thế rồi hợp đồng bán sữa cho các công ty Dalat Miul, Vina Miul…với mức giá ổn định từ 12 đến 13 ngàn đồng/kg, mỗi tháng thu 500-600 triệu. Năm 2017 anh sẽ xuất chuồng bán con giống cho bà con nuôi bò dưới dạng nông hộ, cung cấp cho các trang trại mới mở.
Trời về chiều, chúng tôi rời trang trại, trên con đường đất đá gồ ghề, tôi dừng xe, ngoái cổ lại quan sát. Từ dãy nhà nuôi bò, phía sau là đồng cỏ xanh trải dài đến tận chân núi xa xa.
Sương chiều buông xuống nhấp nhô ngọn cỏ sữa quá đầu người, để lại phía sau xa là cánh rừng thông, lẫn rừng hỗn giao của một nhánh dãy Đông Trường Sơn, nó tạo ra không khí se lạnh quyện lẫn hương mùa xuân.
Trong tôi chợt mơ ước: giá như mình được sống nơi này, cùng vui với đàn bò vô tri như thời niên thiếu, thụ hưởng không khí trong lành bởi đất trời, và rừng cây nhả khí ban tặng cho đời, khác với chốn phồn hoa đô thị.
Theo Phạm Thái/tbdn.com.vn