Các địa phương cần khuyến khích cơ sở sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong ảnh: Đại biểu tham quan các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017.
Trong số 65 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông t hôn (CNNT) tiêu biểu năm 2017 có những sản phẩm không đủ điều kiện cơ bản về hồ sơ, thủ tục. Cụ thể, sản phẩm nước mắm Kỳ Khang (HTX Trung Khang) và nước mắm Kỳ Phú (HTX Đỉnh Miện) đều có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do UBND cấp huyện cấp và qua kiểm tra của Hội đồng bình chọn thì đều có màu sắc, hương vị đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cả 2 sản phẩm lại chưa có giấy công bố phù hợp ATVSTP.
Hay như sản phẩm mật ong của HTX Nuôi ong xã Ân Phú (Vũ Quang), mặc dù hình thức, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, song cũng chưa có giấy chứng nhận ATVSTP. Điều đáng nói, đây đã là lần thứ 3 sản phẩm này tham gia bình chọn và là sản phẩm duy nhất của huyện Vũ Quang “tranh tài” năm nay nhưng hầu như HTX “tự bơi”. Ông Dương Thế Đạt – Giám đốc HTX Nuôi ong xã Ân Phú tiếc nuối: “Lâu nay, chúng tôi cứ nghĩ có sản phẩm chất lượng là ổn, chứ không mấy quan tâm đến các thủ tục, hồ sơ bảo hộ cho sản phẩm”.
Cá biệt hơn, có sản phẩm gạo RVT của HTX Tiểu thủ công nghiệp Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) đã được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2013 nhưng nay lại “tuột” mất danh hiệu vì chưa có giấy chứng nhận phù hợp ATVSTP. Hoặc gạo Thế Cường (HTX Đức Lâm) các chỉ tiêu đều đạt nhưng chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đã hết hiệu lực.
Theo ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Sở Y tế thì “vấn đề nằm ở chỗ, cơ sở sản xuất có muốn làm hay không? Với 5 sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn lần này nếu chủ cơ sở làm theo hướng dẫn thì chỉ sau 15 ngày, Chi cục ATVSTP công bố kết quả và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về ATVSTP”.
Bên cạnh sự thụ động, hạn chế về nhận thức của bản thân các đơn vị, thì sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương trong việc khuyến khích được các cơ sở sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng; đôn đốc, tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục cũng là một trong những tác nhân khiến nhiều sản phẩm tiềm năng tuột mất danh hiệu trong nuối tiếc.
Đồ gỗ mỹ nghệ của Hà Tĩnh chưa thực sự có sức cạnh tranh cao trên thị trường, nhất là về mẫu mã, giá cả.
Khi được phỏng vấn, một số DN có tiềm năng đều nhấn mạnh, sản phẩm dự thi phải đáp ứng nhiều thủ tục, trong khi họ phải “tự bơi” nên cũng không mặn mà. Ngoài ra, khi đã được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu thì điều mà các chủ cơ sở sản xuất mong đợi là nhận được sự hỗ trợ nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Dương – Giám đốc Công ty TNHH Núi Hồng bày tỏ: “Tham gia bình chọn và đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu, những năm gần đây, hàng hóa, sản phẩm của chúng tôi đã được nâng tầm; tuy vậy, sức cạnh tranh trên thị trường vẫn còn thấp. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để có thêm nguồn lực, đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, giúp giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm”.
Để tạo sự bứt phá trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm CNNT tiêu biểu, Sở Công thương cần tham mưu UBND tỉnh để xây dựng tem nhãn nhận diện các sản phẩm CNNT tiêu biểu và công bố rộng rãi nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần chú trọng ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, công nghệ mới giúp DN sản xuất nhiều sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, mẫu mã đẹp gắn với xây dựng thương hiệu; đồng hành giúp các cơ sở sản xuất tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cơ sở sản xuất với DN đầu mối, xây dựng chiến lược quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức, trong đó, chú trọng giới thiệu sản phẩm thông qua hoạt động du lịch...
Theo Thu Phương - Phan Trâm/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn