Từ xây dựng cơ sở hạ tầng...
Bao đời nay, bà con tổ dân phố 13 (thị trấn Hương Khê) vẫn mơ ước có một con đường bê tông bắc qua khe Mè Mé để thuận tiện cho việc giao thương. Nay giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực. Từ nguồn lực xây dựng NTM và sự đóng góp của người dân, con đường bê tông dài 105m đã được xây dựng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây.
Người dân tổ dân phố 13, thị trấn Hương Khê làm đường giao thông nông thôn.
Chỉ tay về vực sâu chừng 4m, bà Cao Thị Tân - một người dân chia sẻ: “Trước đây, để sang được bên kia đường phải lấy 2 tay làm trụ và di chuyển phần thân dưới trước. Người thì băng qua khe bằng cách ấy cho nhanh, còn gia súc để ra đồng cày bừa thì phải đi đường vòng dài gấp 3 lần con đường này”.
Con đường mơ ước của bà con tổ dân phố 13 chỉ là một trong vô vàn những công trình cơ sở hạ tầng góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng “rốn lũ” Hương Khê. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 93 công trình dự án với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng; trong đó có 44 công trình giao thông, 11 công trình thủy lợi, 22 công trình giáo dục, 3 công trình y tế...
Nhiều công trình quan trọng, cấp bách đã và đang chuẩn bị khởi công như: Chợ Huyện, cầu Chợ Hôm (Phương Mỹ), đường giao thông qua 4 xã biên giới, đường Hà Linh – Phúc Trạch (giai đoạn 4), nhà máy nước đầu nguồn sông Tiêm... được kỳ vọng là động lực quan trọng góp phần thay đổi diện mạo của huyện miền núi.
Cầu Chợ Hôm đang gấp rút thi công
Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chia sẻ: “Để có những bước tiến về cơ sở hạ tầng, địa phương đã làm tốt công tác kêu gọi, thu hút đầu tư. Ngoài việc tranh thủ tối đa các nguồn lực từ cấp trên thì địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa, nhất là trong phong trào xây dựng NTM”.
Những công trình được xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa trong địa bàn khu dân cư cũng góp phần làm thay đổi diện mạo của Hương Khê. Và trên hết, đằng sau hạ tầng được nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang chính là sự thụ hưởng của người dân.
... Đến nâng cao chất lượng đời sống
Ngang qua đường Bạch Ngọc, đường Nguyễn Tuy..., chúng tôi chứng kiến sự thay đổi của bộ mặt thị trấn Hương Khê nhờ phong trào xây dựng, chỉnh trang đô thị. Ông Lê Hữu Thái - Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê cho biết: “Người dân đều nhiệt tình tham gia các phong trào chung vì họ hiểu rõ mình có quyền lợi trong đó. Ngay như đợt chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình để chào mừng huyện nhà kỷ niệm 150 năm thành lập, nhiều hộ dân hiến đất, hiến cây, đập bỏ tường rào. Có hộ còn bỏ hàng chục triệu đồng để làm cho nhà mình, ngõ xóm mình đẹp hơn, văn minh hơn”.
Hương Trà - Miền quê đáng sống
Với hệ thống thiết chế văn hóa (hội quán thôn, sân vận động, trạm truyền thanh...) được đầu tư xây dựng. Các phong trào văn hóa, thể dục - thể thao ở Hương Khê đang được dấy lên rộng khắp các khu dân cư. Đặc biệt, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay, toàn huyện có 22.217 gia đình văn hóa, 10.882 gia đình thể thao và 148 thôn/tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa. Đời sống thay đổi, chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên. Toàn huyện hiện có 38/63 trường học đạt chuẩn quốc gia, 19 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, 90% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế...
Ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nhấn mạnh: “Trải qua 150 năm xây dựng và phát triển, địa phương vừa đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, vừa xây dựng cuộc sống mới và đã làm nên những kỳ tích lớn lao. Trong đó, có đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao cuộc sống của người dân. Và kỳ tích ấy đang được viết tiếp trong những chặng đường tiếp theo”.
Theo Thăng Long/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn