Trần Kim Việt đang chăm chút từng giống cây tại vườn ươm của mình
Tuổi thơ nhọc nhằn
Vừa lọt lòng mẹ, Trần Kim Việt thua thiệt bạn bè với chân trái bị teo cơ, chân phải phát triển không bình thường. Gần 8 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách tới trường, chàng trai có đôi chân lèo khèo một mình lặng lẽ lê lết đi lại trong nhà. Những buổi chiều tan học, lớp trẻ cùng trang lứa tung tăng đi học về lại ùa đến trêu đùa Việt “Việt khều, Việt mù chữ…”. Những hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi trong đầu đứa trẻ tật nguyền năm nào.
“Biết em không thể tự đến trường một mình nên bố mẹ cứ động viên chờ lớn tuổi chữa bệnh khỏi sẽ cho đến trường”, Trần Kim Việt bật khóc khi mở đầu câu chuyện.
Từ khi em gái Việt bắt đầu vào lớp 1, ngày ngày Việt cứ nằng nặc theo em đến trường. Biết con trai thèm cái chữ nhưng bố mẹ Việt không nghĩ rằng, đứa con tật nguyền sẽ theo học được. “Đi lại trong nhà còn ngã dúi dụi xuống đất. Thấy con đòi em cho đi học, người làm bố làm mẹ đau đớn vô cùng”, bà Trần Thị Thủy, mẹ Việt nhớ lại.
Mỗi lần đến trường nhọc nhằn sau chiếc xe đạp còi của em gái, Việt nghĩ với bệnh tật của bản thân nếu không học, con đường tương lai sẽ đi vào ngõ cụt. Ngay từ khi bước chân vào lớp 1, trí tuệ hơn người của chàng trai tật nguyền được thể hiện ngay từ những lần phát biểu và giải bài tập ở lớp.
Sau mỗi lần tan lớp, trong khi bạn bè về nhà, Việt lại nhờ em gái tập đi xe đạp. “Em không nghĩ mình ngồi lên được yên xe đạp. Nhưng nhìn thấy mọi người đi lại dễ dàng nên phải cố gắng”, Trần Kim Việt tâm sự. Sau mỗi buổi trưa tan trường, quần áo anh em Việt lại trầy trượt với bùn đất. Để bố mẹ yên tâm, Việt phải bịa ra nhiều trò chơi ở trường, ở lớp. Trong khi bạn bè trong lớp chỉ biết nô đùa sau giờ học ở lớp, chàng trai tật nguyền lại tất bật hì hục trên chiếc xe đạp cùng em gái vượt hàng chục cây số để “đi buôn”.
Bắt đầu từ việc buôn kem, sau đó, Việt mở quán sửa xe đạp ngay cạnh trường học để kiếm thêm thu nhập, năm lớp 10, Việt kinh doanh máy tính Casio… “Máu kinh doanh nó ngấm vào người em từ nhỏ”, Trần Kim Việt tâm sự.
Ngỡ rằng, một cậu bé tật nguyền đang tuổi ăn tuổi học lại lo buôn bán sẽ sao nhãng việc học tập. Nhưng ở Trần Kim Việt lại hoàn toàn khác, từ năm lớp 1 đến lớp 12, Việt luôn đứng đầu bảng của trường về thành tích học tập, đạt nhiều giải thưởng cấp huyện và cấp tỉnh.
Vườn ươm hàng trăm triệu đồng
Mơ ước sau này sẽ trở thành một bác sỹ không thành, với 25,5 điểm thi đại học, Trần Kim Việt trúng tuyển vào nguyện vọng 2 ngành Nông – Lâm – Ngư, trường Đại học Vinh. “Khi đăng ký vào ngành học này em không nghĩ mình học cái gì. Không ngờ ngành học này lại mở ra con đường mới cho mình”, Việt nói.
Vừa mới chập chững bước chân vào giảng đường đại học, câu nói của Trưởng khoa Nông – Lâm – Ngư, trường Đại học Vinh, PGS.TS Trần Ngọc Lâm “cậu nên theo một loại cây trồng”, cứ ám ảnh chàng tân sinh viên.
Với những cố gắng vươn lên không mệt mỏi, Trần Kim Việt là 1 trong 16 gương mặt tiêu biểu được Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tuyên dương nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí
Lý Tự Trọng.
Đang là sinh viên năm thứ 2, mỗi lần về quê, hình ảnh người dân lam lũ trườn mình trồng cây trầm hương vất vả nhưng thu nhập lại quá thấp. Từ đây, chàng sinh viên tật nguyền Trần Kim Việt trăn trở phải làm sao giúp đỡ bà con kiếm thêm thu nhập từ cây trầm. “Ban đầu em nghĩ mình tìm hiểu cách chế biến sâu sau khi thu hoạch cây trầm. Nhưng khi đi vào thực tế, người dân lại mong muốn mở rộng thêm diện tích, trong khi cây giống mua vào quá cao. Ý tưởng tạo giống cho trầm hương ra đời”, Việt nói về ý tưởng ra đời việc ươm giống cho cây trầm hương.
Sau những giờ học ở giảng đường, chàng sinh viên tật nguyền lại bắt xe buýt gần 100km về quê, huy động anh em, người thân đến tận các vườn trầm của người dân xin nhặt hạt. Sau hàng tháng trời lao động, cuối năm 2010, hơn một vạn cây trầm hương được người dân tranh nhau mua thử nghiệm đem lại cho Việt hơn 20 triệu đồng. Như cá gặp nước, sau những giờ học, Việt lại lao vào tìm hiểu, nghiên cứu, rồi ươm giống trầm hương. Sau khi ươm thành công loại giống này, Việt muốn cây giống của mình lan tỏa tới bà con cả nước chứ không riêng gì mảnh đất Hương Khê.
“Sau chuyến tìm hiểu ở Hải Dương không thành công, em nghĩ ra cách lên mạng internet để giới thiệu sản phẩm của mình tới các trang web, diễn đàn về nông nghiệp. Không ngờ phương án này đưa lại thành công ngoài mong đợi”, Việt chia sẻ.
Từ thu nhập hàng chục triệu bước đầu, đến nay, vườn ươm của Trần Kim Việt có hơn 50 loại cây như trầm hương, sưa đỏ, cam bù Hương Sơn, cam chanh Vũ Quang… cho thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã. Chưa dừng lại ở đó, mơ ước của chàng thạc sỹ ngành khoa học cây trồng, thời gian tới, sẽ lập một hợp tác xã, thu phục bà con cùng góp đất để mở rộng vườn giống.
Hiện tại anh Trần Kim Việt đang xây dựng trang web vuonuomviet.com. Đây là nơi để Việt quảng bá sản phẩm của mình, cũng là nơi trao đổi những kinh nghiệm của những người mê giống cây trồng.
Minh Thuỳ
theo: tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn