Với chất lượng thơm ngon, cam Vũ Quang luôn được người tiêu dùng ưa chuộng
Những thành công bước đầu
Kể từ năm 2016, sau 1 năm triển khai xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên quy mô gần 4ha với 5 hộ dân tham gia, tại vùng Trà Sơn (xã Mỹ Lộc và xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc), bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Cả 5 vườn cam của 5 hộ dân tham gia đều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Năm 2017, Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình trên quy mô 30 ha tại các xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang), Hương Đô (huyện Hương Khê), Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà), với 24 hộ dân tham gia.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình và đúng kỹ thuật, cho nên năng suất cam mô hình VietGAP vượt trội hơn của các hộ dân khác trong vùng.
Theo anh Đoàn Quốc Hoài (một chủ vườn cam VietGAP ở xã Hương Thọ), cho hay: Năm nay năng suất cam của gia đình đạt khoảng 29 tấn/ha, cao hơn năm ngoái đến 9 tấn. Đặc biệt, giá bán cam hiện khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 5.000 - 10.000 đồng/kg, thương lái đến tận nơi thu mua với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh đã quy hoạch diện tích, gia tăng sản lượng và chất lượng của các vùng trồng cam đặc sản. Cam được sản xuất theo quy trình VietGAP, nông sản sạch, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Từng bước nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Công Phụ bên mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” của gia đình |
Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán 2018 sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 5 tấn quả. Trước đó, vào năm 2016, riêng với mặt hàng cam, gia đình ông thu lợi hơn 400 triệu đồng. Theo ông Phụ, trồng cam theo VietGAP rất hiệu quả vì đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, năng suất cao, đầu ra ổn định. Hiện nay, gia đình ông đã cải tạo trồng mới thêm 150 gốc cây cam con theo VietGAP.
Được biết, thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng hơn nữa diện tích cam đạt tiêu chuẩn. Tính đến tháng 9/2017, trên địa bàn Hà Tĩnh diện tích cam chanh là hơn 5.093ha, cam bù là hơn 1.068ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Quân - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, cho biết: Toàn xã hiện có 150ha - 170ha trồng cam (lâu dài sẽ tăng lên 200ha), trong đó có 10ha cam trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến năng suất các hộ tham gia mô hình đạt 20 - 25 tấn/ha, giá bán hiện nay tại vườn cam khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, đến Tết Nguyên đán giá sẽ tiếp tục tăng cao.
Ngoài 7 hộ dân đã tham gia trồng cam VietGAP, sắp tới sẽ nhân rộng trồng mới thêm 15 - 20ha cam tới 10 hộ dân. Đặc biệt, định hướng đưa cam Ngọc Sơn trở thành thương hiệu và tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Vẫn lo ngại bài toán đầu ra…
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có diện tích trồng cam khá lớn ở Bắc Trung Bộ. Trong đó, có nhiều loại cam mang thương hiệu nổi tiếng với vị ngọt thanh, tép mọng, quả đẹp, như: cam chanh Khe Mây ở Hương Khê; cam bù, cam chanh ở Hương Sơn và Vũ Quang…
Tuy nhiên, việc trồng cam ở Hà Tĩnh nhìn chung đang theo hướng sản xuất truyền thống, được tiêu thụ thông qua thương lái nhỏ lẻ hoặc đem ra các chợ đầu mối. Và các mô hình cam tập trung chủ yếu ở miền núi, đời sống nhân dân, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
Do đó, chất lượng cam cũng như hiệu quả kinh tế đều chưa cao, việc đưa thương hiệu cam phát triển ra thị trường lớn còn nhiều khó khăn nên cam ở Hà Tĩnh vẫn khó cạnh tranh với thị trường ngoại tỉnh.
Việc triển khai xây dựng thành công mô hình đã từng bước giúp thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mở ra hướng phát triển nền sản xuất cam an toàn, bền vững và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng cam. Đồng thời, từng bước đưa sản phẩm cam của Hà Tĩnh có thương hiệu, dần đứng vững trên thị trường trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Thấu hiểu những lo lắng của bà con nhân dân, vừa qua, bên cạnh việc tổ chức lễ hội cam, bưởi, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ NNPTNT, Tổng cục Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức các “Hội thảo chuyên đề về cam, bưởi”… Các hoạt động quảng bá đó đã góp phần kết nối, mở rộng thị trường, tạo liên kết bền vững cho ngành sản xuất cam của tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng diện tích cam chất lượng cao từ 2.360 ha lên 4.050 ha; sản lượng 54 nghìn tấn; giá trị sản xuất 1.648 tỷ đồng…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn