Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn tham quan thăm mô hình CĐM tại xã Cẩm Bình |
Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu (CĐM) được cả nước quan tâm, diện tích liên tục tăng qua các mùa vụ. Đây là phương thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với tình hình sản xuất lúa gạo của nước ta, từ đó tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích theo hướng hàng hóa, chất lượng và bền vững.
Riêng Hà Tĩnh, bắt đầu từ vụ hè thu 2012 với tâm điểm là CĐM 426 ha giống VTNA2 tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), đến nay, toàn tỉnh đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng gần 3.700 ha CĐM với các giống chủ yếu như: VTNA2, Gia Lộc 102, PD211… Trong đó, chiếm diện tích lớn là giống VTNA 2 do Công ty CP VTNN Nghệ An cung ứng với trên 3.000 ha phân bổ trên các địa phương trên toàn tỉnh.
Qua theo dõi thực tế, các CĐM phát triển khá đồng đều, năng suất đạt cao (dao động từ 50- 57 tạ/ha); giảm được sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư đầu vào và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm được DN bao tiêu trên cơ sở hợp đồng kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Tiếp tục phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, bền vững, vụ hè thu 2013, Hà Tĩnh dự kiến xây dựng mỗi huyện 1- 3 CĐM sản xuất theo hình thức liên kết khép kín. Theo đó, định hướng xây dựng vùng sản xuất CĐM liên kết khép kín, từ khâu sản xuất, thu hoạch, tồn trữ, bảo quản, chế biến đến thu mua sản phẩm đạt giá trị cao nhất.
Mô hình CĐM giống lúa DT 68 |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định, mặc dù đang là tỉnh nghèo nhưng trong những năm qua, Hà Tĩnh đã dồn sức cao độ cho nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, sản xuất là vấn đề cốt lõi, góp phần xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hà Tĩnh đã tiếp cận một cách đầy đủ, nghiêm túc chủ trương xây dựng mô hình CĐM, đặc biệt sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của DN và sự đồng thuận cao của nông dân đã tạo nên sự thành công các mô hình. Đến nay, Hà Tĩnh đã hình thành được mối liên kết giữa nông dân - DN và nhà nước trong sản xuất lúa gạo, từ đó chuỗi giá trị tăng cao. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay là đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ; vai trò của HTX nông nghiệp còn non kém.
Để mở rộng CĐM trên cả nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT phải cụ thể hóa bằng thể chế các chủ trương, chính sách, nhất là quan tâm đến nhóm giống chất lượng nhằm tăng hơn nữa hiệu quả CĐM trong thời gian tới.
Trước khi diễn ra hội thảo, đại biểu đã có chuyến tham quan thực tế mô hình giống lúa chất lượng cao DT 68 và VTNA2 tại huyện Cẩm Xuyên.
Nguyễn Oanh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn