Bước sang năm thứ 3 chế biến dầu lạc, HTX kinh doanh nông sản Thiện Hóa (xã Sơn Bình – Hương Sơn) vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ông Phạm Đình Thiên – Giám đốc HTX cho hay: “Chúng tôi đầu tư trên 185 triệu đồng mua máy ép dầu công nghệ cao. Mỗi năm, HTX thu mua trên 3.000 tấn lạc để phục vụ ép dầu. Tuy vậy, đầu ra sản phẩm chủ yếu trong tỉnh, số lượng chưa nhiều, tính ra lợi nhuận không đáng kể. Vì thế, chúng tôi chưa nghĩ đến việc mở rộng quy mô, nhất là khi nguồn vốn còn hạn hẹp”.
Cùng ở vào thế "loanh quanh tìm kiếm thị trường", mặc dù bắt tay chế biến dầu lạc từ đầu năm 2017 nhưng đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thắm An (xã Sơn Hòa – Hương Sơn) vẫn đang theo kiểu "nhỏ giọt". Đầu ra sản phẩm còn bó hẹp, mỗi năm công ty chỉ tiêu thụ được khoảng vài ba ngàn lít.
Theo đánh giá của người tiêu dùng, dầu lạc là sản phẩm sạch, không chất bảo quản - phụ gia - tạo màu và không pha trộn. Thế nhưng, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên dầu lạc Hà Tĩnh chưa thể cạnh tranh về giá thành so với dầu ăn công nghiệp, giá vẫn còn cao (từ 60 – 70 ngàn đồng/lít, thậm chí trái mùa có thể lên tới 80 – 90 ngàn đồng/lít.
“Dầu lạc chỉ tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận nên mỗi năm, đơn vị chỉ sản xuất từ 5.000 – 6.000 lít. Sản lượng này chưa tương xứng với tiềm lực của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Xuân Đường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường (xã Xuân Hải – Nghi Xuân) chia sẻ về tình cảnh tương tự.
Theo tìm hiểu, sử dụng dầu lạc nguyên chất tốt cho sức khỏe, song hầu hết các cơ sở chế biến trên địa bàn Hà Tĩnh chưa phát triển được thị trường. Thậm chí, do chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên không tránh khỏi tình trạng thương lái nhập dầu lạc của Hà Tĩnh rồi đổi tên sản phẩm của tỉnh khác.
Ông Ngô Xuân Hồng – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Những năm gần đây, có khá nhiều doanh nghiệp, HTX ở Hà Tĩnh đầu tư máy móc chế biến dầu lạc theo hướng quy mô, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu nên sức cạnh tranh thấp, vẫn "bí" đầu ra cho sản phẩm.
“Sản phẩm dầu lạc của một số doanh nghiệp, HTX đã tham gia Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Liên minh HTX Hà Tĩnh nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, muốn tăng sức cạnh và phát triển thị trường một cách bền vững, các cơ sở sản xuất cần mạnh dạn đầu tư nguồn vốn, công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu, tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm... Trong quá trình đó, không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan” – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Xuân Hồng nhấn mạnh.
Theo Thu Phương/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn