Gác chân lên đầu mũi thuyền, ánh mắt sắc mũi giáo xuyên vào lòng biển, lão ngư Trần Tuấn (70 tuổi, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) cho biết: Nghiệp biển truyền đời. Thuở còn bé tí, tôi đã theo cha ra biển đánh cá. Lớn lên lấy vợ, sinh con và lại ra riêng trên một chiếc thuyền. Và bây giờ, con tôi cũng thế. Thuyền của các gia đình ngư dân “rong ruổi” từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, vùng bờ biển nào có cá là dừng lại khai thác. Có khi dăm ba bữa, khi vài ba tháng, luồng cá di chuyển là ngư dân lại đi tìm vùng biển mới. Chỉ những mùa biển động, họ mới lên bờ, về quê. “Nghiệp biển như mạch máu chảy trong cơ thể. Xa biển, nhớ lắm” - nghe lão ngư tuổi “thất thập” rắn chắc, gân guốc nói về biển bằng những tình cảm tha thiết, tôi hiểu rằng, với họ, biển cả là máu thịt, là quê hương.
Làng chài ven biển.
Trên con thuyền của ngư dân Nguyễn Văn Hùng (Tĩnh Gia - Thanh Hóa), 6 người đang “gầy” độ nhậu. Mồi là hải sản đánh bắt được sau mỗi chuyến biển. Rượu thì “đặt nấu ở quê, ngon vắt lưỡi và say an toàn” – Hùng “quảng cáo”. Rượu được rót ra từng bát, sóng sánh. Tiếng cười hào sảng, tiếng nói át tiếng sóng, các chàng trai trẻ say sưa kể về nghiệp biển của mình. Mỗi người một điều kiện riêng nhưng mẫu số chung là nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn và đi biển là nghề “cha truyền con nối”.
Trao cho tôi bát rượu sủi tăm, Nguyễn Phúc Hồng (TX Hoàng Mai - Nghệ An) chia sẻ: Dù đánh bắt gần bờ nhưng nghề biển cũng không ít truân chuyên. Lênh đênh trên những con tàu nhỏ bé, cuộc sống của những ngư dân phụ thuộc vào từng con sóng, ngọn gió. Một ngày đánh bắt hải sản bắt đầu từ 9-10h đêm hôm trước cho đến trưa hôm sau. Thuyền cập bến, thu hoạch xong, hải sản được bán cho các “nậu” và ngư dân lại tiếp tục chuẩn bị cho chuyến biển mới. Mọi sinh hoạt dù nhỏ nhất cũng đều diễn ra trên thuyền. Bước chân của họ chỉ quẩn quanh trên bãi cát từ thuyền lên đến bến thu mua hải sản của các chủ nậu rồi lại về thuyền. Nhiều người “đã lâu không nhìn thấy dép”. Phải chăng vì thế, bàn chân của ngư dân thường lớn hơn, chai sần hơn.
Trên mỗi chiếc thuyền là một gia đình. Phần lớn những người vợ cũng không có việc làm ở quê nên theo chồng để lo cơm nước và chuẩn bị đồ dùng sinh hoạt. “Thuyền theo lái, gái theo chồng” theo đúng nghĩa đen, chồng đâu vợ đó và vì thế, những đứa trẻ cũng được sinh ra trên biển. Điều lạ là những người vợ không bao giờ tham gia đánh bắt hải sản. Chồng dong thuyền rời bến, vợ đưa con lên bờ ở nhà của các chủ nậu (người bao tiêu sản phẩm cho các thuyền) để giặt giũ và chăm sóc con cái. Theo các ngư dân, đại dương chỉ khuất phục những chàng trai mạnh mẽ “ăn sóng nói gió”, phận đàn bà “liễu yếu đào tơ” không được phạm vào biển cả. Đấy là niềm tin truyền đời của các ngư dân. Còn tôi tin rằng, ngọn nguồn của nó vẫn là sự gánh vác, chở che, không muốn người phụ nữ phải chịu những rủi ro, nhọc nhằn.
Những đứa trẻ theo chân bố mẹ trong những chuyến biển dài ngày.
Thoăn thoắt gỡ những con cá trích, cá đục cuối cùng đang quẫy ra khỏi mắt lưới, ngư phủ Nguyễn Hùng Cường (Lệ Thủy - Quảng Bình) hứng khởi: “Hôm nay gặp luồng cá lớn nên thuyền tôi về muộn nhất, phải thuê mấy người dân địa phương gỡ cá mới kịp (mỗi người 20.000 đồng/giờ gỡ lưới - PV). Mẻ này trúng đậm, bán phải được hơn 4 triệu đồng”. Thế nhưng, số lần may mắn như thế này không nhiều. Dù biển miền Trung đã hồi sinh sau sự cố môi trường nhưng do giá hải sản thấp, chi phí xăng dầu, ngư cụ cao nên thu nhập của các thuyền không được là bao. Chị Phương Thanh - vợ anh Cường tâm sự: “Dù chồng tham gia đánh bắt gần bờ, “có hội có thuyền” nhưng thời gian chờ chồng quay về sau mỗi chuyến ra biển cũng xa vời vợi”.
Đang vui với mẻ lưới đầy, gương mặt Cường bỗng đượm buồn, đôi bàn tay gân guốc xoắn chặt vào nhau khi chúng tôi hỏi về con cái. Lấy nhau 10 năm, vợ chồng Cường có với nhau có 3 người con. 2 đứa lớn “lên bờ” ở với ông bà nội để học, đứa bé 7 tháng tuổi theo bố mẹ lênh đênh trên biển. Cường tâm sự: “Tui cũng muốn ở bên các con, lo con ăn học đến nơi đến chốn, nhưng nghiệp biển lênh đênh nên con cũng chịu thiệt thòi”.
Chúng tôi rời gò Cửa Nhượng khi bóng tối dần xâm lấn mặt biển. Các thuyền đều đã lên đèn. Những ngọn đèn tích điện chỉ đủ hắt lên doi cát chút ánh sáng yếu ớt. Trong quầng sáng đó, những đứa trẻ con vẫn mặc sức nô đùa. Hình như với chúng, những con sóng dữ, biển sâu, cát mặn chính là những người bạn. Tôi thầm nghĩ, đến bao giờ, làng chài này sẽ thôi lênh đênh theo từng con sóng?
Theo Giang - Minh - Long/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn