Chị Trần Thị Phương (thôn Thanh Mỹ) cắt tỉa những quả đầu mùa để kịp đóng hàng gửi cho khách
Trong khu vườn đồi rộng 2 ha, chị Trần Thị Phương (thôn Thanh Mỹ) đang nhanh tay cắt tỉa những quả cam đầu mùa để kịp đóng hàng chuyển cho khách.
Chị Phương cho biết: “Thời điểm đầu mùa thu hoạch, cam chưa được ngọt lắm. Nhưng điều đáng mừng là năm nay cam được mùa lại được giá. Với gần 300 gốc đã cho thu hoạch, năm nay sản lượng cam ước tính khoảng 15 tấn, tăng 5 tấn so với mùa năm ngoái.
Cũng thời điểm này năm trước, giá cam chỉ được 12 ngàn đến 15 ngàn/kg, nhưng năm nay đã nhích lên từ 20 đến 25 ngàn/1kg. Màu sắc của cam cũng sáng hơn, quả đều nên được khách hàng ưa chuộng”.
Năm nay cam được mùa nên sản lượng tăng gấp rưỡi so với năm ngoái
Cũng theo chị Phương, năm nay cam được mùa là do kỹ thuật chăm sóc được điều chỉnh từ kinh nghiệm của những mùa trước. Ở thời điểm ra hoa (từ tháng 4 đến tháng 5) nắng hạn có kéo dài nhưng chị đã chủ động nguồn nước tưới nên không ảnh hưởng đến quá trình kết trái của cam.
Cũng như nhiều gia đình, anh Đặng Văn Tuyết (thôn Anh Hùng) đang bận rộn với vụ cam. “Vườn nhà có 800 gốc cam, trong đó khoảng 600 gốc đã cho thu hoạch. Năm nay cam được mùa, diện tích cho thu hoạch cũng lớn hơn nên ước tính sản lượng sẽ đạt khoảng 30 tấn (tăng hơn năm trước 10 tấn).
Vì trồng xen canh nhiều loại: cam chanh, cam giòn, cam xã đoài, cam đường… thời gian chín khác nhau nên thời vụ xuất bán của chúng tôi cũng kéo dài từ nay đến ra giêng”.
Khởi động mùa thu hoạch ở các nhà vườn, thương lái tấp nập vào ra
Thời điểm đầu mùa, các nhà vườn hầu như đang tiến hành thu hoạch cam loại 2, đó là những quả chín sớm hoặc lứa cam ở những cây lâu năm, dù độ ngọt chưa được đậm đà nhưng cũng đã thu hút thương lái bởi giá cả phải chăng và điều quan trọng đó là sản phẩm sạch, có trích xuất nguồn gốc.
Chị Nguyễn Thị Hà - một khách hàng ở thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Từng tham gia tour du lịch trải nghiệm ở vùng trà sơn Can Lộc, biết được thương hiệu sản phẩm cam nơi đây nên tôi cũng thỉnh thoảng đặt hàng để gửi làm quà cho con cháu, anh em”.
“Khẳng định thương hiệu của mình bằng chất lượng, quy trình sản xuất sạch nên cam Thượng Lộc đã theo thương lái, người tiêu dùng đến với các địa phương trong tỉnh, ra Vinh, vào TP. Hồ Chí Minh…" - Chị Võ Thị Loan (thôn Anh Hùng) cho biết.
Niềm vui mùa thu hoạch
Được mệnh danh là thủ phủ cam của Can Lộc, đến thời điểm hiện tại, Thượng Lộc đã có 230 ha cam, trong đó có hơn 150 ha đã cho thu hoạch. “Năm nay được mùa, diện tích thu hoạch được nâng lên nên tổng sản lượng toàn xã ước đạt hơn 37 ngàn tấn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người trồng cam sẽ có thêm một mùa thu nhập lớn” - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải cho biết.
Người trồng cam Thượng Lộc đang từng bước nâng tầm sản phẩm bằng
việc xây dựng thương hiệu OCOP
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra sản phẩm, người trồng cam Thượng Lộc đang trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Chị Võ Thị Loan - tổ trưởng tổ hợp tác Anh Hùng 2 (thôn Anh Hùng) cho hay: “Thôn chúng tôi hiện có 2 tổ hợp tác với khoảng vài chục gia đình, liên kết để cùng nhau xây dựng thương hiệu và cam kết sản xuất sạch, cùng chia sẻ kinh nghiệm và tìm đầu ra. Hiện tại, chúng tôi sản xuất theo quy trình VietGAP và đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng của việc xây dựng thương hiệu OCOP”.
Mở rộng diện tích sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu đã là những yếu tố để cây cam trở thành 1 trong 5 sản phẩm chủ lực của huyện Can Lộc và đó cũng là hướng đi đúng để những người trồng cam nâng tầm sản phẩm, tạo đầu ra bền vững.
Theo Anh Thư - Quanh Minh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn