Chị Tạ Thị Thái chăm sóc diện tích hành lá của gia đình
Hơn một tháng qua, cứ đều đặn ngày 2 buổi, bà Tạ Thị Thái ở thôn Lồng Lộng, xã Thuần Thiện (Can Lộc) luôn có mặt tại cánh đồng trồng rau màu tập trung của xã để chăm sóc gần 2 sào hành lá và một số diện tích cây vụ đông của gia đình.
Theo bà Thái, làm cây hành không nặng nhọc, nhưng lại đòi hỏi phải dày công chăm sóc và tỉ mẩn trong từng công đoạn sản xuất. Bù lại, thời gian sinh trưởng và phát triển của cây hành rất ngắn, chỉ xấp xỉ khoảng 2 tháng là thu hoạch được.
“Cây hành lá cũng cho năng suất cao, lại rất được giá. Mỗi sào hành có thể cho năng suất 2,5 tấn sản phẩm, mỗi tấn có giá 18 - 20 triệu đồng… Đặc biệt, điều kiện sản xuất của cánh đồng này được huyện và xã đầu tư khép kín từ hạ tầng, điện, hệ thống tưới hiện đại đến nguồn giống đảm bảo chất lượng. Về thị trường đầu ra, đã có doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp cũng tạo điều kiện để bà con bán ra thị trường tự do nếu giá cao hơn”- bà Thái cho biết thêm.
Cánh đồng rau màu thôn Lồng Lộng, xã Thuần Thiện
Cánh đồng rau màu thôn Lồng Lộng, xã Thuần Thiện có diện tích trên 10 ha, trước đây chỉ là vùng đất cao, không chủ động nước tưới, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lạc, năng suất thấp. Năm 2015, vùng đất này được quy hoạch thành cánh đồng sản xuất rau màu chuyên canh, bước đầu mới khai thác trên diện tích 5 ha.
Ngay sau khi được quy hoạch, cây hành lá được đưa vào sản xuất và nhanh chóng phát huy được hiệu quả kinh tế. Hiện nay, ngoài sản xuất tập trung vào vụ đông, cây hành còn được bà con ở đây tiến hành sản xuất thường xuyên trong năm. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao nhờ cây hành.
“Từ kết quả này, đối với người dân xã Thuần Thiện, vụ đông đã thực sự trở thành vụ sản xuất chính và cũng là nguồn thu nhập chính trong năm. Trong khi hầu hết các địa phương khác đang trong thời gian chuẩn bị sản xuất vụ đông, thì tại cánh đồng này, nhiều diện tích cây hành lá và một số cây trồng khác đã chuẩn bị cho thu hoạch” - ông Võ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện chia sẻ.
Chưa có thu hoạch như ở xã Thuần Thiện, nhưng đến thời điểm này, 120 ha hành tăm ở các vùng sản xuất tập trung thâm canh của xã Thiên Lộc cũng đã vào giai đoạn phát triển 2 - 3 lá. So với lịch thời vụ, cây hành được xuống giống sớm hơn khoảng 1 tháng. Đây cũng là năm vụ đông ở Thiên Lộc được khởi động sớm. Sau nhiều năm sản xuất, người dân ở Thiên Lộc đã có bề dày kinh nghiệm trong làm vụ đông.
Nhiều cây màu vụ đông ở Can Lộc đã cho thu hoạch
Chị Võ Thị Thắm ở thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc cho biết: “Cây hành tăm, do chưa có thị trường đầu ra ổn định theo hướng liên kết chuỗi, nên chúng tôi phải lựa chọn thời điểm phù hợp để sản xuất nhằm bán được giá hơn. Theo kinh nghiệm, cây hành xuống giống càng sớm, thì sẽ né tránh được thời tiết bất lợi vào đầu vụ, giảm thiểu thiệt hại về năng suất. Bên cạnh đó, làm sớm thì thu hoạch vào đúng dịp tết nguyên đán, giá bán sẽ cao hơn.
Những năm gần đây, trong sản xuất vụ đông, huyện Can Lộc tập trung khảo nghiệm, lựa chọn và cơ cấu giống cây trồng phù hợp, tổ chức quy hoạch các vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm chủ lực hàng hóa và tổ chức chỉ đạo sản xuất sớm. Vụ đông năm 2017, toàn huyện Can Lộc có kế hoạch gieo trồng trên 1.200 ha thì hiện có khoảng 300 ha đã được xuống giống, trong đó một số diện tích rau màu đã cho thu hoạch. Hướng đi sáng tạo và hiệu quả này của Can Lộc không chỉ tạo ra giá trị mới trong sản xuất mà còn khuyến khích người dân yên tâm sản xuất, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm theo chủ trương của tỉnh.
Theo Vũ Viễn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn