Tiếp tục mở rộng vùng “Khu vực hóa” giống lúa BQ để có đánh giá tổng thể đặc điểm giống
Trước giờ hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đại biểu đã đi tham quan mô hình giống lúa BQ với quy mô 5 ha tại xã Tùng Lộc, Can Lộc.
Giống lúa BQ được gieo cấy từ ngày 29/5/2017, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh. Qua theo dõi cho thấy, giống lúa BQ cho thấy nhiều ưu điểm về sinh trưởng, khả năng chống chịu, năng suất khá cao và chất lượng gạo ngon. So với giống lúa đối chứng VTNA2, giống lúa BQ có thời gian sinh trưởng và một số đặc điểm nông sinh học gần tương đương (giao động từ 120- 125 ngày vụ xuân và 95- 100 ngày đối với vụ hè thu). Giống có cây khỏe, sức kháng sâu bệnh khá, đặc biệt là sạch đạo ôn; rầy nâu, rầy lưng trắng; khô vằn mức độ nhiễm thấp hơn giống đối chứng. Đánh giá năng suất, giống BQ có năng suất lý thuyết từ 79,44- 82,09 tạ/ha (năng suất thực thu gần 60- 61 tạ/ha), cao hơn giống đối chứng 6,81- 46 tạ/ha; tỷ lệ hạt lép thấp; chất lượng gạo ngon.
Giống BQ lần đầu được khảo nghiệm tại địa bàn Hà Tĩnh từ vụ xuân 2016 do Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh thực hiện. Giống do Viện nghiên cứu hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương chọn tạo, thích hợp sản xuất cả vụ xuân và vụ hè thu. Hiiện nay, BQ đã được đưa vào sản xuất thử trên diện rộng.
Tại hội thảo, bà con nông dân, đại diện địa phương tại vùng dự án cho rằng giống BQ có nhiều ưu điểm nổi trội, năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt và phù hợp với thổ nhưỡng, vùng sinh thái. Một số ý kiến đóng góp cho rằng: Trung tâm Khuyến nông, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi, đánh giá rõ hơn đặc điểm của giống; tình hình kháng sâu bệnh của giống…
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: công tác khảo nghiệm sản xuất để tìm ra các giống lúa cho năng suất, chất lượng tốt, ngắn ngày, thích ứng rộng, ứng phó với bất lợi thời tiết để bổ sung vào giống lúa mới của tỉnh, nhằm chủ động trong cung ứng giống lúa, phù hợp với hội nhập là cần thiết với sản xuất hiện nay. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất giống lúa ở Hà Tĩnh vẫn khó khăn, phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở: Nhìn lại mất mát từ vụ lúa vụ xuân 2017, đây là bài học lớn, vừa chiến lược, vừa cụ thể trong công tác chỉ đạo sản xuất cho các địa phương.
Đối với giống lúa BQ, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng đối với một bộ giống mới thì khả năng thích ứng là quan trọng nhất. Theo đó, đề nghị Viện nghiên cứu hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cần tiếp tục theo dõi, đánh giá một cách tổng thể giống, nhất là tính thích ứng về thời tiết. Đánh giá tính ổn định của giống; tính chống chịu của giống về chịu thâm canh; chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là hai loại bệnh điển hình trên đồng ruộng Hà Tĩnh: đạo ôn và khô vằn. Thời gian tới, tiếp tục mở rộng vùng “khu vực hóa” ở nhiều nền đất, vùng sinh thái, quy trình thâm canh để có đánh giá khách quan nhất đặc điểm của giống.
Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở: tìm kiếm bộ giống chất lượng là xu thế tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, ngành NN&PTNT và Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cần phải lưu ý chất lượng phải gắn với hiệu quả kinh tế. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện để công ty tiến đến sản xuất giống gắn với bản quyền. Theo đó, yêu cầu công ty chọn giống, sản xuất giống gắn với trách nhiệm của mình, đảm bảo theo chuỗi liên kết, gắn với nông dân. Đồng thời, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải có đánh giá khách quan, lấy lợi ích nông dân làm thước đo chất lượng giống.
Theo Anh Đức/canloc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn