Xã Bùi Xá (Đức Thọ) đưa cơ giới hóa vào sản xuất vụ đông xuân.
Phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ - Nghiêm Sỹ Đông cho biết, vụ xuân 2012-2013, toàn huyện gieo cấy 6.131,7 ha diện tích đất sản xuất lúa, 600 ha ngô, 1.400 lạc xuân. Đối với sản xuất lúa, huyện bố trí 40% giống xuân trung, 60% giống xuân muộn, trong đó cơ cấu các bộ giống chủ lực như: RVT, VTNA2, P6, AC5... Bên cạnh đó, Đức Thọ đưa vào sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa mới XT28, DT68. Nét mới trong vụ sản xuất năm nay đó là việc đồng loạt xây dựng các cánh đồng sản xuất quy mô lớn. Tùy thuộc vào điều kiện sản xuất, mỗi xã ít nhất xây dựng được 1 cánh đồng mẫu có quy mô trên 20 ha, riêng 8 xã trọng điểm lúa, huyện chỉ đạo mỗi xã xây dựng từ 2 - 3 cánh đồng mẫu cơ cấu duy nhất một bộ giống chất lượng cao. Hiệu quả kinh tế nhìn từ 38 cánh đồng mẫu, với hơn 1.300 ha diện tích sản xuất cho thấy, địa phương nào mạnh dạn cơ cấu các bộ giống mới, chất lượng cao và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất thì năng suất và chất lượng vượt trội hơn so với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng các bộ giống cũ.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản thì vụ sản xuất đông xuân cũng gặp không ít khó khăn về thời tiết, sâu bệnh trên cây lúa. Để khắc phục tình trạng trên, huyện đã có đề án sản xuất bổ cứu kịp thời, chỉ đạo bà con nông dân bắc thêm mạ, gieo cấy bổ sung các diện tích bị chết; hỗ trợ nguồn giống kịp thời, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương ra quân làm thủy lợi nội đồng, tập trung khép kín bờ vùng, bờ thửa, nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp (VTNN) nhằm đảm bảo chất lượng, chủng loại, giá cả các loại VTNN, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Lập Hoàng Xuân Hùng cho biết: trước đây, trên một diện tích canh tác, bà con bố trí nhiều loại giống khác nhau nên giống pha tạp, thoái hóa, tỷ lệ nảy mầm thấp, giảm năng suất và sản lượng cây trồng. Bước vào vụ xuân năm nay, trên cơ sở định hướng chung của huyện, Đức Lập mạnh dạn đưa 45 ha diện tích đất sản xuất xây dựng cánh đồng mẫu và cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao. Được sự hướng dẫn tận tình về quy trình sản xuất của cán bộ phòng nông nghiệp, bà con địa phương đã có vụ mùa thắng lợi, năng suất đạt 63 tạ/ha”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hữu Bé khẳng định, thành công của công tác chuyển đổi ruộng đất đã thực sự tạo tiền đề vững chắc để Đức Thọ hình thành những vùng sản xuất tập trung. Trên một cánh đồng, nông dân cấy cùng một giống lúa, một thời điểm và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng. Đây chính là thắng lợi lớn nhất mà Đức Thọ giành được trong vụ sản xuất vừa qua.
Cũng theo ông Trần Hữu Bé, rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước, năm nay, huyện Đức Thọ tập trung khâu nối, gắn kết các đơn vị, đầu mối thu mua nông sản cho bà con nhằm giải quyết ổn thỏa vấn đề đầu ra cho sản phẩm. “Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương ký cam kết với Công ty VTNN Nghệ An, Doanh nghiệp Vĩnh Lợi thực hiện khép kín quy trình cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Riêng tại địa bàn huyện Đức Thọ, HTX Thu mua và Chế biến nông sản Đức Lâm có công suất 40 tấn gạo thương phẩm/ngày đủ sức thu mua gạo cho bà con trên địa bàn và các vùng lân cận” - ông Bé cho biết thêm.
Bức tranh nông nghiệp của huyện lúa ngày càng thêm gam màu tươi sáng. Năng suất, sản lượng không ngừng tăng, vấn đề đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo, bà con nông dân ở Đức Thọ đang “lợi đơn, lợi kép” trên cánh đồng của mình.
Ngô Tuấn
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn