Từ đường giao thông nông thôn...
Về Đức Thọ ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những con đường mới được bê tông nhựa hóa êm ru. Trên khắp mọi cánh đồng lúa chín vàng rực hứa hẹn một mùa vàng bội thu từ những cánh đồng mẫu được bà con nông dân sử dụng một loại giống mới sắp sửa vào vụ thu hoạch.
Mặc dầu ngày gặt hái đã cận kề nhưng nông dân Đức Thọ vẫn còn tích cực ra quân làm giao thông, thủy lợi nội đồng cho xong nốt những đoạn đường còn lại để kịp đón mùa về.
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm tự hào với chúng tôi: Nói về phong trào hiến đất làm giao thông nông thôn không đâu mạnh bằng Đức Thọ. Bởi sau 2 năm xây dựng NTM cho đến thời điểm này cả huyện đã có tới 3.069 hộ tự nguyện hiến đất với tổng diện tích lên tới 270.859 m2. Có những người như anh Nguyễn Hữu Niệm (Thái Yên) đã hiến tặng đất với công trình trị giá trên 250 triệu đồng. Và như thôn Thạch Thành (Tùng Ảnh) các hộ dân ở mặt sau đồng loạt thi nhau lùi về phía sau vườn mình để giúp người ở phía trước hiến đất mở đường. Nhờ vậy mà trong 2 năm huyện đã nhựa, bê tông hóa được 53 km đường giao thông trục chính liên xã, nâng tổng số km đường giao thông trục chính liên xã lên đạt chuẩn 230 km toàn huyện. Một số bờ vùng, bờ thửa, kênh mương nhiều xã đã hoàn tất.
Cũng theo ông Hàm, nếu gói kích cầu cung cấp xi măng của tỉnh cơ chế như trước đây, huyện nào giao cho huyện đó xử lý, thì chẳng bao nhiêu thời gian nữa Đức Thọ sẽ hoàn tất hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng cũng như hệ thống kênh mương thủy lợi.
...đến trang trại
Nằm ở phía Bắc Hà Tĩnh có diện tích sản xuất nông nghiệp đạt gần 9000 ha hiếm có địa phương nào trong tỉnh Hà Tĩnh có đắc địa phân cách đặc biệt như Đức Thọ. Đê La Giang dài gần 20 km chia thành 2 vùng với tên gọi vùng trong và vùng ngoài. Mỗi vùng có mỗi đặc trưng riêng song tất cả đều đang tận dụng hết mọi tiềm năng lợi thế của mình góp phần xây dựng NTM đặc trưng riêng của mỗi vùng.
Cánh đồng mẫu ở Liên Minh, Đức Thọ
Với ưu thế đất đồi núi bán sơn địa như Đức Long, Đức Lạng, Đức Dũng, Đức Đồng, Trường Sơn… thuận lợi cho phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi như cá lúa, gà, lợn, hươu sao… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Cả huyện có trên 300 trang trại, gia trại, riêng từ đầu năm 2013 đến nay các xã đã nhân rộng thêm được 13 mô hình trang trại quy mô lớn đạt trên 500 con lợn có sự phối kết hợp của Tập đoàn CP.
Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn cho vay của tỉnh đã tạo nên phong trào phát triển trang gia trại rầm rộ như trang trại chăn nuôi tập trung của gia đình chị Bùi Thị Phương Liên (Đức Long) quy mô: 250 lợn nái, 1.000 con lợn thịt/lứa, tự bao tiêu sản phẩm, doanh thu 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt từ 1,5-2 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 20 lao động, mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người /tháng. Đến mô hình trang trại gà của hộ ông Nguyễn Khuyến, mỗi năm xuất chuồng từ 3 lứa, mỗi lứa từ 10.000-11.000 con. Trang trại nuôi lợn, gà, vịt của anh Huy ở Đức Lạng, anh Hào ở Bùi Xá, anh Nguyễn Bá Linh (Đức Đồng)… Những mô hình trang trại nói trên đều có tổng doanh thu hằng năm đạt từ 3-5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.
Và những cánh đồng mẫu
Rời vùng núi bán sơn địa, chúng tôi đến với vùng đồng bằng ven sông La, đến với các xã Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng… là những xã có các cánh đồng mẫu lúa chín vàng ruộm chờ ngày thu hoạch.
Đối với những xã vùng ngoài đê, để có được những cánh đồng mẫu lớn như hôm nay quả không dễ dàng. Chủ tịch UBND xã Liên Minh Trần Hoài Đức tâm sự: “Phải mất hàng tháng trời chúng tôi mới liên hệ được với Cty Vĩnh Hòa mời họ về khảo nghiệm phổ biến quy trình, phải mất hàng tháng trời mới thuyết phục được nông dân làm cánh đồng mẫu 1 giống. Vụ đông xuân này là năm đầu tiên Liên Minh thực hiện mô hình cánh đồng mẫu với 4 xóm, quy hoạch thành 2 cánh đồng mẫu thuộc 2 xóm (Thọ Tường, và Thọ Ninh) trong đó 25,5 ha sử dụng giống lúa AC5, 20,9 ha làm cánh đồng mẫu giống lạc L14. Cả 2 cánh đồng mẫu nói trên sẽ cho kết quả khả quan hơn hẳn so với trước đây về năng suất, chất lượng.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ Nghiêm Sỹ Đông nói: “Đối với Đức Thọ, vụ lúa xuân 2012 được coi là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp lần đầu tiên nông dân tiếp cận với mô hình sản xuất cánh đồng mẫu sản xuất lúa tập trung trên tổng diện tích 4670 ha, quy mô đạt từ 20 ha trở lên liền vùng, liền khoảnh và chỉ cơ cấu 1 loại giống P6 có giá trị kinh tế cao. Vụ đông xuân này, mô hình cánh đồng mẫu đã mở rộng ra 18 xã với diện tích 1.050 ha cơ cấu các loại giống mới ngắn ngày như VTNA2, AC5, RVT… nhờ sản xuất tập trung trên các cánh đồng mẫu nên lúa phát triển đều răm rắp, kháng trừ sâu bệnh tốt, đặc biệt năng suất, chất lượng gạo đạt với yêu cầu gạo xuất khẩu”.
Cũng theo ông Đông, vụ hè thu - mùa tới Đức Thọ sẽ phấn đấu nhân cánh đồng mẫu đạt từ 1.500-2.000 ha/giống thực hiện đúng tinh thần bộ tiêu chí nâng cao thu nhập người dân trong phong trào xây dựng NTM.
Bức tranh tổng thể về huyện NTM Đức Thọ đang từng ngày, từng giờ hiện dần lên trên quê hương cách mạng. Tin rằng, diện mạo một vùng quê non nước hữu tình sẽ thay da đổi thịt, một vùng quê diện mạo NTM căng tràn sức sống mới.
Anh Bình - Đoàn Loan
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn