Đức Lạng là một xã miền núi thuộc vùng tiểu bán sơn địa của huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh, vừa tiếp giáp với đồng bằng lại vừa tiếp giáp với vùng đồi núi thấp, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 14 km. Đức Lạng có diện tích tự nhiên 2.074ha với 3.600 nhân khẩu. Trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 18,16%, đất lâm nghiệp chiếm 31,10%, với một quỹ đất dồi dào Đức Lạng có điều kiện để phát triển trồng các loại cây công nghiệp và cây nguyên liệu. Đây là những tiềm năng thế mạnh để Đức Lạng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý và các Tiểu ban thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM; lập đồ án quy hoạch, xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí; tổ chức xây dựng một số mô hình sản xuất bước đầu có hiệu quả như: mô hình chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, kinh tế trang trại, gia trại và bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa. Qua khảo sát đến nay, Đức Lạng đã đạt 6/19 tiêu chí, gồm: Trường học, quy hoạch, an ninh trật tự, bưu điện, nhà ở dân cư. Trong năm 2012, Đức Lạng phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí: Hình thức tổ chức sản xuất, y tế, thu nhập, giáo dục.
Xã Đức Lạng đang phát triển bền vững
Những năm qua, nhờ tận dụng những tiềm lực sẵn có trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đức Lạng đã đoàn kết trên dưới một lòng cùng nhau xây dựng và phát triển quê hương, vì thế trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội cũng như an ninh quốc phòng đã có bước chuyển biến quan trọng, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên.
Năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%, tổng giá trị sản xuất đạt gần 30tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 8,5 triệu đồng/người/năm. Phát huy thế mạnh của vùng tiểu bán sơn địa, Đức Lạng đã phát triển khá mạnh về nông - lâm nghiệp góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung của xã nhà, giữ vững và ổn định kinh tế, xã hội. Trong lâm nghiệp, để phát huy tiềm năng, lợi thế trên địa bàn, xã đã có chủ trương mở rộng phủ kín đất trống đồi trọc bằng các loại cây phân tán như keo, bạch đàn. Tiếp tục nhân rộng mô hình tổng hợp V.A.C và V.A.C.R. Bước đầu thực hiện thành công trồng mây nguyên liệu ở Tân Quang, mô hình trồng rừng theo chương trình 147, mô hình trồng 9.800 cây cam trên địa bàn toàn xã. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi của địa phương những năm qua cũng có nhiều tín hiệu khả quan, xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại nuôi lợn quy mô lớn ngày càng có hiệu quả.
|
Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã |
Công tác chuyển đổi đất nông nghiệp giai đoạn II ở Đức Lạng đạt kết quả tốt, từ 12 thửa/hộ đến nay chỉ còn lại 2,9 thửa/ hộ. Thành công này được đánh giá như một cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất của Đức Lạng nói riêng và của huyện Đức Thọ nói chung. Từ đó, tạo điều kiện thuận canh, thuận cư, áp dụng các tiến bộ khoa học đưa cơ giới vào sản xuất, giảm được chi phí sản xuất, đẩy nhanh CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Từ phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", Đức Lạng đã xây dựng được nhiều công trình có ý nghĩa như: trụ sở làm việc 2 tầng, xây dựng trường Mầm non, trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng 15km đường bê tông, hệ thống đài phát thanh và nhiều công trình thủy lợi, giao thông phục vụ nhu cầu dân sinh khác. Riêng trong năm 2009, Đức Lạng đã khánh thành Nhà bia tưởng niệm ghi công các liệt sỹ với tổng giá trị 820 triệu đồng. Nhờ việc quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở kịp thời, đúng mục đích nên bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc. Nhất là hệ thống trường học đã đảm bảo cho công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, đội ngũ học sinh giỏi được tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Nghề chính ở Đức Lạng vẫn là nông nghiệp
Mặt khác, để khích lệ tinh thần ham học của các em, xã đã đẩy mạnh công tác khuyến học từ xã đến thôn xóm, dòng họ. Đến nay toàn xã đã có 25 dòng họ tham gia chương trình này.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư ngày càng có chất lượng. Tiêu biểu như 319 hộ dân ở xã Đức Lạng hiến 30.000 m2 đất trị giá hơn 665 triệu đồng.
Hội trường trung tâm xã đang được hoàn thiện
Bên cạnh những thuận lợi, xã còn gặp không ít khó khăn, hạn chế nhất định trong quá trình phát triển và hội nhập. Đức Lạng là một trong những xã đang còn gánh chịu hậu quả của chiến tranh, đây là nơi tập kết các loại vũ khí, xăng dầu, đạn dược để phục vụ chiến tranh đã nhiều lần giặc Mỹ ném bom trúng kho xăng nên xăng bị chảy ra và ngấm vào các sông ngòi, kênh rạch của địa phương làm ô nhiễm đến nguồn nước và đất đai. Giao thông đi lại khó khăn, hệ thống giao thông thủy lợi đảm bảo tiêu úng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, hạn chế.
Đức Lạng có điểm xuất phát thấp, lao động chủ yếu là nông nghiệp, đời sống nhân dân còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là vốn cho xây dựng hạ tầng và phát triển các mô hình kinh tế, thứ hai về giải quyết việc làm lao động nông thôn giảm dần xuống dưới 35%; việc tạo ra được mô hình nghề, làng nghề mới cũng đang gặp khó.
Cơ sở hạ tầng nhiều nơi đang xuống cấp
Vì vậy Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đức lạng rất mong nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp các ngành, các tổ chức để xây dựng các công trình dân sinh cấp thiết như: hệ thống nước sạch, hệ thống giao thông nông thôn và hệ thống kênh mương tiêu úng. Có như vậy, Đức Lạng mới bắt nhịp được với công cuộc đổi mới của quê hương Đức Thọ trong thời kỳ CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn.