Năm 1994 - 1997, 182,5 ha rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu (TK)199, xã Hương Giang thuộc quyền quản lý của Lâm trường Hà Đông. Đến 1996, Lâm trường Hà Đông (Nay là BQL RPH Ngàn Sâu) đã giao khoán cho 58 hộ dân xã Hương Giang, Hương Khê thực hiện hợp đồng nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thuộc dự án 327, trong đó, hộ ông Ngô Đức Thanh được nhận lô 21, khoảnh 1, TK 199 với diện tích 2,2 ha. Năm 1997, Lâm trường Hà Đông chuyển giao toàn bộ diện tích và tài sản trên đất ở TK199 cho Lâm trường trồng rừng Hương Khê (nay là Cty cao su Hương Khê) theo Quyết định 515, ngày 29/4 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao, Lâm trường trồng rừng Hương Khê tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân nói trên thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Đến ngày 18/4/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 1077/QĐ-UBND về việc quy hoạch trồng cao su trên một số diện tích tại TK199. Sau khi đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý về việc chuyển đổi mục đích sang trồng cao su tại diện tích nói trên, Cty đã họp bàn, thống nhất với UBND xã Hương Giang, đồng thời tổ chức, tuyên truyền, vận động 58 hộ dân thanh lý hợp đồng giao khoán theo quy định để chuyển sang trồng cao su.
Nhận thức được chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huyện, xã khi đưa cây cao su về phát triển trên đất Hương Giang, bước đầu có 24 hộ đồng thuận thanh lý và nhận tiền hỗ trợ. Số còn lại, thể theo nguyện vọng ý kiến người dân nên Cty cao su Hương Khê gia hạn việc thanh lý tài sản trên đất từ 1-2 năm để giúp những hộ nói trên tận dụng có hiệu quả tài sản trên đất, trong đó có hộ ông Ngô Đức Thanh. Số diện tích các hộ chuyển sang trồng cao su được Cty tiếp tục giao khoán trở lại nhằm tạo công ăn việc làm có thu nhập.
Theo tinh thần cam kết, sau 2 năm tận thu sản phẩm trên đất, các hộ dân phải thực hiện chuyển đổi sang trồng cao su. Thế nhưng, hộ ông Thanh và 4 hộ dân khác vẫn tiếp tục tái trồng keo trên diện tích đã có Quyết định chuyển đổi.
|
Cao su 4 năm tuổi phát triển xanh tốt ở Hương Giang |
Phát hiện sai phạm của các hộ dân, ngày 28/8/2012, UBND huyện Hương Khê đã có công văn số 778, về việc ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi xẻ phát, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng. Ngay sau đó, xã Hương Giang cũng đã phát giấy mời đến 5 hộ dân vi phạm, đề nghị có mặt tại UBND xã để giải quyết dứt điểm vụ việc và yêu cầu chấm dứt ngay việc tái trồng keo. Trong số 5 hộ được mời, chỉ có 3 hộ dân chấp hành và đồng ý thanh lý hợp đồng. Còn 2 hộ, trong đó có hộ ông Thanh đã không đến theo giấy mời, đồng thời, ngang nhiên đưa cả gia đình lên xẻ phát, đốt thực bì để tiếp tục trồng keo.
Theo báo cáo của Cty cao su Hương Khê, sau nhiều lần vận động, tuyên truyền, đề nghị ông Thành (con trai ông Thanh) dừng việc trồng keo nhưng tất cả đều vô hiệu hóa. Đến khoảng 16h30' ngày 16/11/2012, ông Ngô Đức Thành cùng Ngô Đức Tịnh, Võ Thị Cương, Phan Thị Hằng và một số người dân xã Hương Giang tiếp tục vào tại lô 21, khoảnh 1, TK199 ngang nhiên đào hố trồng keo, lực lượng BVR Cty cao su Hương Khê đã có mặt kịp thời yêu cầu gia đình ông Thành đình chỉ ngay việc làm sai trái nói trên. Ngược lại cả gia đình ông Thành đã chửi bới, lăng mạ và thách thức lực lượng bảo vệ Cty. Sau đó ông Thành dùng điện thoại gọi bố là ông Ngô Đức Thanh và 5 hộ dân khác mang theo dao rạ, gậy gộc vào hiện trường để gây gổ. Khi vào tới hiện trường ông Thanh buông lời mạt sát, thách thức lực lượng BVR và tuyên bố: "thằng mô ngăn cản thì tau (tôi) chém". Ngay lúc đó anh Võ Văn Bình, cán bộ BVR đứng ra giải thích những vi phạm của gia đình ông Thanh, ông Thanh không những không tiếp thu mà vung dao chém thẳng vào người anh Bình, đồng thời một số người trong nhóm dùng gậy gộc và dao xông vào hô hào "chém chết nó đi". Cả khu vực trở nên náo loạn, toàn bộ lực lượng bảo vệ Cty lao vào khống chế, ngăn cản ẩu đả nhưng việc ngăn cản không thành buộc lực lượng bảo vệ Cty phải tự vệ dẫn đến 6 người bị thương, phải nhập viện điều trị. Trong đó, phía bảo vệ Cty có anh Võ Văn Bình, Đinh Văn Tường. Phía gia đình ông Thanh, ngoài ông Thanh bị gãy tay có con trai Ngô Văn Tịnh, bà Võ Thị Cương và Phan Thị Hằng. Tất cả đều được lãnh đạo xã phối hợp Cty kịp thời đưa đi cấp cứu.
Chủ tịch UBND xã Hương Giang Phan Đình Hùng cho rằng: Đây là một vụ việc đáng tiếc xảy ra, bởi một số người dân thiếu tôn trọng pháp luật, không chấp hành chủ trương, đường lối chính sách cấp trên đề ra. Chủ trương chuyển đổi đất để trồng cao su là một chủ trương lớn, được tuyên truyền rộng rãi và nhận được sự đồng tình cao của đa số nhân dân bởi dự án không những tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn đóng góp tiền của giúp địa phương XD nông thôn mới.
Còn ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nói: Vùng đất nơi xảy ra ẩu đả đã được chính quyền các cấp chuyển giao cho Cty cao su Hương Khê thực hiện dự án phát triển cao su. Đa số hộ dân trong vùng đã chấp hành nghiêm chủ trương. Riêng vụ ẩu đả giữa gia đình ông Thanh với lực lượng bảo vệ Cty cao su Hương Khê xảy ra là biểu hiện vi phạm pháp luật. Vì thế, lãnh đạo huyện đã giao cho cơ quan điều tra, CA huyện Hương Khê kịp thời điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm trước pháp luật.