Khu lăng mộ Đại danh y hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn được quản lý và bảo vệ chu đáo - mỗi năm thu hút hàng chục ngàn lượt du khách tham quan, thăm viếng
Hương Sơn là vùng đất địa linh nhân kiệt có truyền thống cách mạng văn hóa lâu đời được ghi dấu bởi các di tích lịch sử. Hiện trên địa bàn huyện có 46 di tích lịch sử, trong đó: 10 di tích lịch sử cấp Quốc gia; 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 35 di tích lịc sử cấp tỉnh. Công tác quản lý và bảo vệ các di tích đã được các cấp, các ngành quan tâm và đã có sự chỉ đạo phối, kết hợp chặt chẽ vì vậy , công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích được thực hiện tốt”.
Xã Sơn Bằng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và bảo tồn các di tích. Toàn xã hiện có 14 đền, chùa, miếu và 20 nhà thờ họ có niên đại từ 100 - 500 năm. Trong số này có 5 di tích cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia.
Nhà thờ Đào Hữu Ích (Sơn Bằng) được con cháu dòng họ giữ gìn khá nguyên vẹn
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian, các di tích lịch sử bị xuống cấp. Để bảo vệ các di tích, công trình văn hóa do cha ông để lại, người dân, con cháu trong các dòng họ đã đóng góp tiền của, ngày công để tôn tạo, giữ gìn. Nhờ vậy, các di tích, công trình đã được quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân trên địa bàn. Ông Phạm Kim Tuyến – Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng cho biết: “ Chúng tôi đã ban hành Nghị quyết về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Theo đó hàng năm giao cho bộ phận chuyên môn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích. Đặc biệt, là huy động nguồn lực xã hội hóa từ con em xa quê, con cháu các dòng họ để trùng tu, tôn tạo các di tích. Cùng với đó, tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, giáo dục truyền thống cho các thế hệ để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa quê hương”
Di tích lịch sử Đền Phúc Lai (Sơn Bằng) được trùng tu, tôn tạo số tiền trên 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa
Nổi bật ở địa phương có Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh Đền Phúc Lai (Thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng). Đây là nơi thờ thánh Tam Lang – một danh thần của địa phương, đã có niên đại trên 300 năm. Trải qua thời gian, đền Phúc Lai bị bom đạn phá hủy. Năm 2000, con em địa phương trong vùng đã kêu gọi đóng góp để phục dựng và xây dựng thêm một số hạng mục với tổng nguồn lực trên 3 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Ngoài ra, các di tích lịch sử, văn hóa khác như: Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ và các nhà thờ dòng họ cũng đã huy động được nguồn lực xã hội hóa từ 1 – 2,5 tỷ đồng để xây dựng.
Cùng với những hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa cũng được huyện Hương Sơn hết sức quan tâm. Trong đó, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và phát huy truyền thống hiếu học đạt được những kết quả tích cực.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu mộ Đại danh y Hải Thượng lãn Ông Lê Hữu Trác – Do Công ty TNHH TM&TH Quý Gia quản lý, bảo vệ mỗi năm đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan gắn với các tua tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm trên địa bàn huyện và các huyện trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhân ngày giỗ Đại danh y Lê Hữu Trác gắn với lễ hội Hải Thượng lãn Ông – lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã đón hàng ngàn lượt khách tham quan, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại danh y đối với nền Y học nước nhà.
Ông Phan Thành Long – Giám đốc Công ty TNHH TM&TH Quý Gia cho biết: “ Vào mùa lễ hội, Công ty đã phối hợp với huyện Hương Sơn, UBND Tỉnh, các Sở ngành cấp tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, TDTT, các buổi tọa đàm, giao lưu về y học cổ truyền đã thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân địa phương tham dự. Thông qua các nghi lễ truyền thống và hoạt động văn hóa dân gian nhằm góp phần giáo dục, nhắc nhở thế hệ hôm nay giữ gìn truyền thống, bản sắc của dân tộc, tiếp tục cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị mà Đại danh y đã để lại ”
Với các di tích dòng họ thì giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống luôn được các bậc tiền bối, các thế hệ con cháu gìn giữ và phát huy hiệu quả.
Họ Đào tại xã Sơn Bằng là một trong những dòng họ nổi tiếng hiếu học và học giỏi. Con cháu họ Đào ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài đã có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Riêng họ Đào Đăng Đệ tại xã Sơn Bằng đã có trên 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và hàng chục người được phong cấp tá đang sinh sống và làm việc trên cả nước. Phát huy truyền thống dòng tộc, con cháu các thế hệ họ Đào Đăng thường xuyên chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài. Ông Đào Thế Quang - Ban Khuyến học dòng họ Đào Đăng Đệ cho biết: “ Dòng họ đã xây dựng quỹ khuyến học ở cả 3 miền: Bắc – Trung – Nam để kịp thời động viên con cháu học hành. Hàng năm, cứ vào dịp giỗ tổ, con cháu mọi miền lại tập trung về nhà thờ Đào Đăng Đệ - di tích lịch sử cấp tỉnh tại xã Sơn Bằng để dâng hương tưởng niệm và báo công với các bậc tổ tiên. Tại đây, Ban khuyến học dòng họ đã tổ chức Lễ phát thưởng, vinh danh con cháu đạt học sinh giỏi các cấp và đỗ vào đại học. Thông qua hoạt động này để lan tỏa tinh thần hiếu học trong dòng họ, tiếp nối truyền thống cha ông góp sức xây dựng quê hương ”
Nhà thờ Đào Đăng Đệ - nơi gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ
Mỗi di tích lịch sử đều chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Chính vì thế, huyện Hương Sơn đang tiếp tục có các giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị ấy trong đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần của người dân, góp phần gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau, cũng là góp phần giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn cho muôn đời con cháu./.
Hương Hà – Khả Sơn/ http://huongson.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn