Để giúp người dân trồng chè Kỳ Thượng phát huy được lợi thế vùng đất của người nông dân, năm 2015, được sự hỗ trợ của dự án CIDA, xã Kỳ Thượng. huyện Kỳ Anh đã triển khai mô hình “Chuỗi sản phẩm chè” nhằm đưa chuỗi sản phẩm chè phát triển có hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, Tiểu ban quản lý Dự án Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ một số hoạt động như mở rộng diện tích trồng mới, hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ sản xuất và thu hái, thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật và hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho tổ hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng chè búp tươi. Đặc biệt, xã Kỳ Thượng còn hướng tới xây dựng giá trị khác biệt cho sản phẩm chè Kỳ Thượng, phát triển đa dạng hóa thị trường đầu ra nhằm đưa sản phẩm chè vươn ra có giá trị cao hơn và thị trường nội địa.
Với đặc thù là một xã miền núi, kinh tế khó khăn, xác định trồng chè công nghiệp sẽ đưa lại kinh tế cho người dân, cho nên từ năm 2012 trở lại đây, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh trồng mới từ 15 – 40 ha chè. Phong trào trồng chè ở đây ngày một phát triển mạnh, trở thành cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích, huyện luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, thay thế dần các giống chè năng suất, chất lượng thấp; đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu để chuyển dịch cơ cấu theo hướng lấy giá trị sản xuất. Cùng với hỗ trợ vốn, nhiều lớp tập huấn về thâm canh, chăm sóc cây chè đã được mở để nâng cao trình độ cho bà con. Người nông dân được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ khuyến nông huyện, cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn khoa học kỹ thuật mới trong trồng chè. Qua đó, người dân đã biết áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh trên cây chè và trồng cây tạo bóng mát cho chè. Đến thời điểm này, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của người dân làm ra với Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chè 12/9 đã giúp các hộ gia đình ổn định sản xuất, mỗi ngày trung bình một lao động có thể hái được từ 45 – 50 kg chè búp tương tương 350 – 400 ngàn đồng/ngày.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng cây chè công nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường, việc ứng dụng các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất chè có quy mô và bền vững đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng năng suất lao động, đảm bảo đúng lịch thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn miền núi xã Kỳ Thượng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Kỳ Thượng. huyện Kỳ Anh cho biết; “ Trong thời gian tới, xã sẽ động viên bà con mở rộng diện tích trồng chè, nâng cao sản lượng và tính cạnh tranh mặt hàng chè thông qua sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt chất lượng cao, sản phẩm an toàn đạt VietGAP, tạo liên kết với thị trường nâng cao thu nhập cho bà con nông dân góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi của địa phương, nhằm xóa đói giảm nghèo trong toàn xã”.
Ngoài mở rộng diện tích trồng chè thì việc xây dựng cho cây chè có chất lượng và có tính bền vững cao đang được huyện hết sức coi trọng. Sự liên kết chặt chẽ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người trồng chè sẽ giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng vùng chè nguyên liệu Kỳ Thượng. Đó cũng là cơ sở để người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.
Theo Mạnh Hải/kyanh.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn